Tiêm vaccine phòng cúm.
Gia tăng số người đi tiêm vaccine cúm
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay, tại một số khu vực trên thế giới và đặc biệt là Nhật Bản đang có đợt bùng phát dịch cúm mùa.
Tại Việt Nam, thời tiết mùa đông-xuân là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp nói chung và cúm mùa nói riêng phát triển.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, cha mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng của cúm mùa để chủ động xử trí và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh để bảo vệ trẻ một cách hiệu quả khỏi virus cúm mùa.
Ghi nhận tại Hệ thống tiêm chủng VNVC, số lượng người dân quan tâm, tìm hiểu vaccine cúm gia tăng cao trong các cuộc gọi tới tổng đài tư vấn và liên hệ qua website, facebook..., Số lượng người dân chủ động đi tiêm cúm tại VNVC gia tăng gần 200% so với ngày thường. Đặc biệt trên nhóm người lớn, người cao tuổi đi tiêm cúm chiếm gần 50%.
Nhiều cha mẹ đã tranh thủ đưa trẻ đi tiêm vaccine cúm trước khi quay trở lại trường học do lo ngại bị lây nhiễm trong môi trường tập thể. Nhiều người lớn chủ động đưa gia đình đi tiêm vaccine cúm và vaccine phòng bệnh hô hấp khác.
Khuyến cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, chi phí tiêm vaccine cúm thấp nhưng đem lại hiệu quả bảo vệ cao, giảm các biến chứng do cúm.
Vaccine cúm là loại vaccine phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Tiêm ngừa vaccine cúm hàng năm giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.
Vaccine cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu bị mắc bệnh.
Thời điểm nên tiêm phòng cúm
Hiện chưa có thuốc điều trị hữu hiệu bệnh cúm. Nếu tỷ lệ tiêm ngừa vaccine không duy trì liên tục ở ngưỡng cao, cúm mùa vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và kinh tế nặng nề trên toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới nên virus cúm, lưu hành cả chủng virus cúm Nam bán cầu và cúm Bắc bán cầu và có thể xuất hiện quanh năm. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hàng năm, có xu hướng gia tăng vào mùa đông-xuân. Nên tiêm vaccine cúm càng sớm càng tốt để bảo vệ tốt nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, vaccine cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.
Vaccine cúm không chỉ quan trọng với trẻ em, mà còn cần thiết cho cả người lớn. Tiêm vaccine ngừa cúm là một giải pháp toàn diện xây dựng lá chắn thép để bảo vệ sức khỏe.
Chủng ngừa cúm cho mẹ bầu còn mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả người mẹ và thai nhi. Vaccine được chế từ virus bất hoạt, vì vậy an toàn cho cả mẹ và bé trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, ai cũng có thể mắc cúm mùa, không phân biệt độ tuổi, giới tính… đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nhất, được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt gồm: Người trên 65 tuổi; Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai; Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi; Người có các bệnh lý mãn tính: hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư,…; Người nhiễm HIV/AIDS; Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.
Tác dụng của tiêm vaccine cúm
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, vaccine cúm có hiệu quả phòng bệnh đến 90%, giúp giảm 47% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm nguy cơ nhập viện do viêm phổi, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 15-45%.
Ở người cao tuổi và mắc bệnh nền, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm. Tiêm cúm giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.
Hiện Việt Nam đã có vaccine cúm tứ giá thế hệ mới phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ em và người lớn.
Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần. Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn tiêm một mũi và nhắc lại 1 mũi hằng năm. Phụ nữ có thể tiêm cúm trong thai kỳ, tốt nhất vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
Ngoài tiêm vaccine cúm, trẻ em và người lớn nên tiêm thêm các mũi ngừa phế cầu gồm phế cầu 13 và phế cầu 23 để tránh bội nhiễm khi mắc cúm.
Để phòng bệnh cúm, người dân cần tránh tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm bằng các biện pháp như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng khi ho, hắt hơi và thường xuyên vệ sinh cá nhân, lau chùi nơi ở, lớp học, trường học, phòng làm việc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả các loại vaccine cúm đã được chứng minh giảm thiểu 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vaccine cúm mùa chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, vì virus cúm thường thay đổi liên tục cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm.
Chính vì vậy, công thức sản xuất vaccine cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với các chủng virus cúm đang lưu hành và việc tiêm nhắc vaccine cúm mỗi năm là rất quan trọng, đặc biệt những người thuộc nhóm nguy cơ cao, kể cả nhân viên y tế và người nhà của bệnh nhân. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vaccine cúm nhắc lại hàng năm.
Cần lưu ý rằng, vaccine cúm không có hiệu quả ngay lập tức mà phải mất khoảng 2-3 tuần sau khi tiêm, vaccine mới tạo kháng thể bảo vệ đầy đủ, vì vậy không nên chờ có dịch bệnh mới đi tiêm.
Theo Báo Nhân Dân