Giảm nghèo ở huyện biên giới

17/10/2023 - 23:28

 - Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực được huyện An Phú (tỉnh An Giang) xác định là một trong những khâu đột phá nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Phú, từ năm 2020 đến nay, đã giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động, đạt 76,2% kế hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, mở 60 lớp đào tạo nghề về phi nông nghiệp và nông nghiệp với hơn 1.740 lao động và lao động tự học 1.324 người, đạt 138% kế hoạch…

9 tháng của năm 2023, huyện giải quyết việc làm cho 4.900 lao động (xuất khẩu lao động 17 người), đạt 97,7% kế hoạch năm 2023 và đạt 116,7% so kế hoạch 5 năm của huyện. Trong lĩnh vực đào tạo nghề, mở được 29 lớp đào tạo nghề (lĩnh vực phi nông nghiệp 18 lớp, lĩnh vực nông nghiệp 11 lớp) có 870 học viên tham gia học nghề, lao động tự học 315 người, đạt 86,5% kế hoạch năm và đạt 166,7% so cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, địa phương đã tổ chức thành công phiên giao dịch việc làm, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm xuất khẩu lao động năm 2023 cho học sinh bậc THPT, thanh niên và người lao động trên địa bàn. Qua phiên giao dịch việc làm, các công ty, doanh nghiệp, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã tư vấn, cung cấp những thông tin liên quan đến thị trường lao động trong tỉnh, trong và ngoài nước.

Có 508 lao động đăng ký tìm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, 19 lao động đăng ký tìm việc trực tuyến tại “sàn giao dịch việc làm”, 86 lao động được phỏng vấn trực tiếp, 16 lao động đăng ký xuất khẩu lao động, 213 lao động đăng ký học nghề. Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền chính sách giáo dục nghề nghiệp cấp xã, có 216 lượt người tham dự.

Trao vốn thực hiện mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững

Trên địa bàn huyện An Phú xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2023, toàn huyện có 3.254 hộ nghèo, tỷ lệ 7,96%; số hộ cận nghèo 3.417 hộ, chiếm 8,36%; tỷ lệ giảm hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2023 là 5,73% (giảm 808 hộ), tỷ lệ giảm bình quân 1,91%/năm. Tỷ lệ giảm hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2023 là 6,67% (giảm 2.846 hộ), tỷ lệ giảm bình quân 2,22%/năm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở tại 14 xã, thị trấn, trên 1.900 lượt người tham dự; tập huấn công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cho các xã, thị trấn; truyền thông về giảm nghèo đa chiều 28 cuộc, có 2.240 lượt người tham dự; đang triển khai mô hình điểm chăn nuôi bò thịt tại xã Nhơn Hội (có 16 hộ nghèo tham gia).

“Mô hình này giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chí thú làm ăn (nhưng thiếu vốn sản xuất) vươn lên thoát nghèo bền vững; phát triển dự án chăn nuôi bò thịt trên địa bàn để tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững” - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội Nguyễn Thị La cho biết. 

Theo đó, cộng đồng dân cư lựa chọn 16 hộ tham gia dự án (8 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo), thành lập Tổ cộng đồng thực hiện dự án. Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 800 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước trên 54%, kinh phí đối ứng của các hộ tham gia dự án trên 45%. Dự kiến, sau khi hoàn vốn, người tham gia chăn nuôi sẽ có đủ nguồn vốn để có thể mở rộng quy mô sản xuất, tiếp tục mua bò giống để thả nuôi giúp thoát nghèo bền vững…

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Phú Huỳnh Tiến Sĩ cho biết, địa phương tiếp tục triển khai thêm 13 mô hình giảm nghèo ở các xã còn lại, trong đó 11 mô hình nuôi bò, 1 mô hình nuôi dê, 1 nuôi lươn. Đồng thời, kiểm tra, giám sát công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chương trình mục tiêu về giảm nghèo năm 2023 (đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đa dạng hóa sinh kế)… Tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động cho các đối tượng là học sinh, sinh viên và người lao động; tiếp tục tham mưu UBND huyện tổ chức phiên giao dịch việc làm và vận động mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương yêu cầu các xã rà soát để đảm bảo đúng đối tượng và tư vấn, chọn con giống, cây trồng chất lượng để người dân thực hiện hiệu quả. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, tính khả thi dự án. Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định định mức các hạng mục của dự án. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ các xã thực hiện hồ sơ dự án đúng quy định, khảo sát chặt chẽ; kinh phí phải được giao đầy đủ, kịp thời để triển khai dự án, phòng ngừa rủi ro.

HỮU HUYNH