Gỡ khó cho cây lúa Nhật

05/12/2019 - 00:14

Những năm qua, chương trình hợp tác sản xuất - bao tiêu lúa Nhật giữa Công ty TNHH Angimex - Kitoku và nông dân An Giang đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để mô hình phát triển tương xứng với tiềm năng đòi hỏi phải có những chính sách, biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.

Gỡ khó cho cây lúa Nhật

Tuyên dương những nông dân sản xuất lúa Nhật đạt hiệu quả cao

Năm 2019, diện tích canh tác lúa Nhật trên toàn tỉnh đạt hơn 3.378ha, tập trung ở các địa phương: TP. Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú và một phần thuộc huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gạo ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao trên thị trường ngày càng lớn đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Do đó, cây lúa Nhật đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước tình hình đó, Công ty TNHH Angimex - Kitoku đã xây dựng kế hoạch hợp tác bao tiêu sản phẩm với nông dân ngay từ đầu vụ. Cụ thể, công ty đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh triển khai kế hoạch sản xuất lúa Nhật vụ đông xuân 2019 hơn 2.157ha, đạt năng suất 5-6,5 tấn/ha, tổng sản lượng 12.000 tấn; vụ hè thu thực hiện hơn 816ha, năng suất bình quân 5-7 tấn/ha, tổng sản lượng 4.000 tấn; vụ thu đông đang thực hiện hơn 400ha. Khi hợp tác sản xuất lúa Nhật cùng công ty, nông dân có thể thu lợi nhuận 30-35 triệu đồng/ha. So với việc canh tác các giống lúa “truyền thống” thì lúa Nhật mang đến giá trị kinh tế cao hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Nở (nông dân xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn) chia sẻ: “Gắn bó với cây lúa Nhật hơn 12 năm, tôi luôn yên tâm về đầu ra bởi phía công ty bao tiêu với mức giá khoảng 6.700-7.300 đồng/kg tùy từng vụ. Ngoài ra, công ty không bỏ nông dân khi điều kiện thời tiết xấu ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà sẵn sàng chia sẻ khó khăn, thu mua hết số lúa theo hợp đồng. Ngoài ra, tôi được nhân viên công ty hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật canh tác trong suốt mùa vụ nên rất thuận lợi”.

Bà Nở cũng cho biết, so với canh tác các giống lúa khác thì việc khử lẫn của lúa Nhật tốn kém rất nhiều nhân công. Dù đã thực hiện 9 vụ sản xuất liên tục nhưng chi phí cho việc này vẫn còn rất cao, đặc biệt là trong 2 vụ hè thu và thu đông. Bên cạnh đó, phía công ty quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất chặt chẽ, nên nông dân buộc phải sử dụng các loại thuốc thay thế đắt tiền, do đó chi phí sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận. Ngoài ra, khâu thu hoạch lúa Nhật vẫn còn thất thoát cao dù nông dân đã sử dụng máy chuyên dùng để cắt…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hùng Cường phân tích: “Công ty Angimex - Kitoku đã gắn bó với chuỗi sản xuất - bao tiêu lúa Nhật tại An Giang trên 20 năm. Đây là công ty liên kết bền vững, uy tín với nông dân thuộc tốp đầu của tỉnh hiện nay. Đó là cơ sở, niềm tin để nông dân cùng với công ty tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích canh tác lúa Nhật những năm tới. Với mục tiêu phát triển diện tích canh tác lúa Nhật bền vững, hướng đến những thị trường khó tính nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, người nông dân cần “sát cánh” với công ty trong việc thực hiện các tiêu chí kiểm soát dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm thích ứng với những biến động của thị trường lúa, gạo”.

Đồng thời, ông Cường cũng đề xuất phía công ty cần “ngồi lại” với nông dân để thống nhất về những yêu cầu của 2 phía, cùng chia sẻ khó khăn để phát triển chuỗi liên kết sản xuất - bao tiêu lúa Nhật hiệu quả hơn trong thời gian tới. Hiện nay, chỉ có các tổ hợp tác đại diện nông dân làm việc với công ty là chưa đáp ứng được yêu cầu của tỉnh trong việc phát triển kinh tế tập thể. Do đó, cần đẩy mạnh nâng chất hoạt động của các Tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật lên hợp tác xã nhằm đảm bảo nhu cầu, quyền lợi của nông dân và công ty trong tình hình hiện nay.

 Năm 2020, Công ty TNHH Angimex - Kitoku sẽ phối hợp Hội Nông dân tỉnh sản xuất khoảng 3.000ha lúa Nhật, tập trung ở các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, TP. Long Xuyên và một phần của tỉnh Kiên Giang. Phía công ty đề xuất ngành chuyên môn và các địa phương cần quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định với diện tích khoảng 50-100ha, nhằm thực hiện tốt quy trình kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật và đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiếp tục củng cố các tổ liên kết sản xuất và hợp tác xã để công ty có thể thực hiện kế hoạch sản xuất thuận lợi hơn; tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng trên thị trường…

Dù đã thu được những kết quả khả quan trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - bao tiêu thụ lúa Nhật nhưng vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Công ty TNHH Angimex - Kitoku, nông dân và ngành chuyên môn nhằm khắc phục những hạn chế, đưa mô hình phát triển lên tầm cao mới, hướng đến những thị trường tiềm năng.

THANH TIẾN