Hiệu quả chuyển đổi cây trồng

07/08/2023 - 07:01

 - Thời gian qua, các cấp hội nông dân huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, góp phần tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Ngọc Vỵ cho biết, các cấp hội nông dân quan tâm tuyên truyền, lồng ghép trong sinh hoạt chi, tổ hội, hội nghị, hội thảo… Vận động nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao, hình thành vùng sản xuất tập trung, tiến tới sản xuất hàng hóa lớn.

Trong 39.169ha sản xuất nông nghiệp toàn huyện, diện tích trồng cây ăn trái chiếm 2.083ha (tăng 583ha so năm 2020). Diện tích sản xuất cây ăn trái lớn tập trung ở xã Khánh Hòa (299ha), Mỹ Đức (305ha), Bình Chánh (101ha), Đào Hữu Cảnh (114ha), Thạnh Mỹ Tây (250ha), Ô Long Vĩ (443ha)… Một số cây chủ lực đã có mặt trên địa bàn huyện, như: Nhãn xuồng (155ha), sầu riêng (97ha), mít Thái (750ha), bưởi (110ha), xoài Đài Loan (231ha)…

Nông dân Châu Phú trồng nhãn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Để nông dân đủ tự tin, mạnh dạn chuyển đổi, các cấp hội nông dân huyện Châu Phú chú trọng hỗ trợ đầu tư hạ tầng, “tiếp sức” chi, tổ hội, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), hoạt động, hình thành chuỗi giá trị và thương hiệu hàng hóa. Hội Nông dân huyện phối hợp mở nhiều lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng và thiết kế vườn, giúp nông dân có kiến thức chuyển đổi.

“Các cấp hội nông dân huy động nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh và huyện; chủ động phối hợp các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn nhận tín chấp, ủy thác cho hội viên nông dân vay vốn ưu đãi” - ông Huỳnh Ngọc Vỵ cho biết.

Có thể thấy, qua việc hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất, phối hợp ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật, thành lập chi, tổ hội, THT, HTX, công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), mã vùng trồng, giới thiệu tìm kiếm đầu ra cho nông sản, cùng sự nỗ lực và đồng thuận của nông dân, bước đầu tái cơ cấu nông nghiệp huyện nhà. Điển hình, xã Khánh Hòa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung 142ha nhãn xuồng (trong quy hoạch 200ha, tăng 40ha so năm 2020).

Đồng thời, thành lập HTX Thương mại dịch vụ du lịch nông nghiệp Khánh Hòa, tạo điều kiện đăng ký logo thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa. Hiện, tất cả diện tích nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa đều được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Nhờ có vùng trồng lớn, được đánh giá cao về chất lượng (cơm nhãn ráo, vàng dày, hạt nhỏ, mùi thơm, vị ngọt thanh…), đủ điều kiện để sản phẩm liên kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản. Ngoài ra, HTX còn nhận được lời mời hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Úc, Hoa Kỳ, góp phần tăng giá trị trái nhãn, cải thiện thu nhập nông dân.

Song song với vùng nhãn xuồng Khánh Hòa, vùng trồng sầu riêng Bình Chánh được quy hoạch 400ha. Nếu đầu năm 2020, diện tích trồng chỉ 10ha với 13 hộ, thì đến nay diện tích đã tăng hơn 6 lần, với 97 hộ trồng. Phát triển loại trái cây đặc sản này, địa phương vận động thành lập HTX Sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh, tập trung trên 20ha.

Nằm trong 25 thành viên của HTX, nông dân Nguyễn Văn Thảo cho biết: “Thời gian qua, tôi được cán bộ kỹ thuật HTX hướng dẫn xử lý kỹ thuật ra hoa sớm so với vụ chính. Cuối tháng 2/2023, 2 công sầu riêng của tôi cho thu hoạch, sản lượng khoảng 1,5 tấn, giá 110.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lời hơn 100 triệu đồng”.

Đặc biệt, HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh đã được cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, doanh nghiệp đóng gói chấp thuận bao tiêu toàn bộ sầu riêng của HTX, xuất khẩu giá cao hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Đây là động lực để HTX và nông dân trồng sầu riêng xã Bình Chánh tập trung sản xuất, phát triển diện tích theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Ngọc Vỵ khẳng định, phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp hội nông dân tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ vốn giúp nông dân chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái mang hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp dạy nghề trồng và thiết kế vườn; phát triển kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện hình thành chuỗi giá trị cây ăn trái... Qua đó, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

TRỌNG TÍN