Hiệu quả mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP

01/12/2022 - 06:44

 - Thời gian gần đây, mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP đang được ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt chú trọng mở rộng, bởi đây là xu hướng tất yếu để lúa gạo hội nhập quốc tế. Nhiều nông dân đã áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP trong sản xuất lúa gạo, mang lại vụ mùa bội thu và chất lượng lúa gạo sạch, an toàn cung ứng ra thị trường.

Bộ tiêu chuẩn SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, bao gồm các tiêu chí và chỉ số đánh giá hiệu quả liên quan đến lợi nhuận, năng suất lao động, chất lượng nước, sự đa dạng sinh học, khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động…

Sản xuất theo tiêu chuẩn SRP là xu thế sản xuất mới dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp.

Bên cạnh đó, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, nông dân không được đốt rơm rạ, khi bón phân phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”, khi phun thuốc phải mang bảo hộ lao động, ruộng mới phun thuốc phải cắm bảng thông báo. Lúa sản xuất theo mô hình đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu. Việc áp dụng mô hình này không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, mà còn làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất tiêu dùng.

Nông dân Nguyễn Phước Nhuận (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) cho biết, lúc đầu có phần bỡ ngỡ khi tham gia mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú, ông Nhuận dần quen với phương thức canh tác mới.

Trên diện tích 3ha, ông Nhuận được tập huấn quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp, trồng hoa trên bờ ruộng, cùng kỹ thuật làm đất, quy trình bón phân, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng… Hiệu quả từ  mô hình cho thấy, cây lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh nên chi phí thấp hơn ruộng lúa đang canh tác theo phương pháp truyền thống.

“Lúc trước, tôi làm lúa theo phương pháp truyền thống thì giống sạ dày, không biết việc bón phân hữu cơ. Sau khi được cán bộ bảo vệ thực vật hướng dẫn canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP, tôi đã giảm được giống sạ dày, đồng thời giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật từ 2-3 triệu đồng/ha” - ông Nhuận chia sẻ.

Theo các nông dân đang thực hiện mô hình, canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP thì nhờ áp dụng các phương pháp giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng nên giảm được chi phí, lợi nhuận tăng.

“Mùa này, tôi giảm được phân bón, giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, nhưng cây lúa phát triển rất khỏe, bông đẹp, bự, dài, gạo chắc hạt. Năng suất ước đạt 6-6,5 tấn/ha đồng thời lợi nhuận cao hơn từ 3-3,5 triệu đồng so với canh tác truyền thống” - ông Lâm Văn Kheo (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) chia sẻ.

Vụ lúa thu đông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú triển khai thí điểm mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP tại ấp Bình An (xã Bình Phú) trên diện tích 30ha, có 11 hộ nông dân tham gia.

Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú Lương Hoàng Tuấn cho biết: “Trước đây, nông dân sạ giống với mật độ cao từ 200-250kg/ha. Nhưng từ khi áp dụng mô hình thì nông dân mạnh dạn giảm xuống còn 120kg/ha; giảm lượng phân bón. Nếu trước đây nông dân sử dụng từ 500-600kg/ha phân vô cơ, thì khi áp dụng mô hình này, nông dân giảm còn 300-400kg/ha và còn giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt của mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP đảm bảo chất lượng lúa gạo theo tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho nông dân”.

Hiện nay, mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP tại ấp Bình An, đã được cấp mã số vùng trồng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp phát triển xuất khẩu lúa gạo. Ngoài ra, nhờ chất lượng lúa gạo sạch, nông dân được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu sản phẩm với giá ổn định hoặc cao hơn thị trường theo chuỗi liên kết. Mô hình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP là giải pháp để người sản xuất tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và người dân sinh sống trong vùng.

Qua thực hiện mô hình, nông dân trong vùng nắm được bộ tiêu chuẩn SRP, giúp nông dân ý thức hơn về việc sản xuất ra sản phẩm, chú trọng đến chất lượng nhiều hơn, góp phần nâng cao kỹ năng cho người nông dân, sản xuất theo nhu cầu thị trường, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế gắn với hiệu quả bền vững và bảo vệ môi trường. Đây được xem là hướng đi mới cho người nông dân trong thời kỳ hội nhập.

TRỌNG TÍN