Hiệu quả mô hình trồng cà chua gốc ghép

15/11/2023 - 07:40

 - Qua thời gian khảo nghiệm thành công, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang đã giới thiệu về quy trình sản xuất cây giống gốc ghép và những ưu điểm mang lại cho nông dân. Trung tâm có khả năng cung cấp mỗi tháng khoảng 20.000 cây giống cà chua gốc ghép cho nông dân.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang cho biết, cà chua là một loại rau ăn quả, chứa nhiều dinh dưỡng có lợi cho cơ thể, như: Carotene, lycopene, vitamine và kali. Đặc biệt, các loại vitamin B, vitamin C và beta carotene giúp cơ thể chống lại quá trình ô-xy hóa của cơ thể, giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư.

Tuy nhiên, quá trình canh tác cà chua, nông dân gặp thiệt hại lớn nhất đó là bệnh héo xanh (héo rũ). Tác nhân gây bệnh héo xanh do vi khuẩn ralstonia solanacearum sống trong đất gây ra, bệnh phát triển và gây hại nặng làm chết cây, có nơi chết đến 100% trong mùa mưa. Bệnh héo xanh gây hại nặng nhất khi cây ra hoa và đậu trái non. Bệnh rất khó trị, tất cả các loại thuốc hóa học cũng như phương pháp canh tác đều kém hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, có rất nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện nhằm ngăn ngừa bệnh, như: Luân canh cây trồng, sử dụng thuốc hóa học...

Trong đó, việc sử dụng ngọn ghép cho năng suất cao lên gốc ghép kháng bệnh là biện pháp hữu hiệu và kinh tế nhất để có thể trồng các loại giống cây họ cà liên tục nhiều vụ trong năm, mà không lo bị bệnh héo xanh.

Ngoài đặc tính kháng bệnh, cây ghép còn có khả năng chịu úng, chịu hạn và chịu phèn tốt, do bộ rễ của cây làm gốc ghép được tuyển chọn từ những loại cây hoang dại. Hiện nay, phương pháp ghép cà chua lên gốc cà tím là một trong những biện pháp tối ưu nhất để tăng khả năng kháng bệnh héo xanh trên cà chua và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...

Mô hình trồng cà chua gốc ghép ở huyện Châu Thành

Từ cây giống cà chua gốc ghép của trung tâm cung cấp, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành vừa trình diễn mô hình trồng 2.200 cây cà chua gốc ghép trên diện tích 1.000m2 của bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung (ấp Phú An II, xã Bình Hòa). Kết quả mô hình cho thấy, cây cà chua gốc ghép có khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn trên 97%, bệnh khảm trên 90%, năng suất đạt khoảng 4,64 tấn/1.000m2, trong đó năng suất thương phẩm 4,04 tấn/1.000m2. Lợi nhuận mô hình trồng cà chua gốc ghép hơn 24,7 triệu đồng/vụ, với giá bán 15.000 đồng/kg.

Theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang, cà chua gốc ghép thường có 3 vụ trồng trong năm. Vụ đông xuân (vụ thuận): Trồng từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, thời tiết mát, đậu trái nhiều, năng suất cao nhất. Vụ xuân hè: Trồng từ tháng 1 đến tháng 4, đậu trái kém hơn vụ đông xuân, chú ý phòng trị rầy phấn trắng và bù lạch gây bệnh khảm (ngù đọt). Vụ thu đông (vụ nghịch): Trồng tháng 7 đến tháng 11, mưa dầm dễ bị úng ngập và bị bệnh héo rũ, năng suất thấp nhưng giá bán cao.

Giống gốc ghép được chọn là cà tím (Đài Loan EG2023), có sức sống mạnh, khả năng chịu hạn và ngập tạm thời khá tốt. Đặc biệt, khả năng kháng bệnh héo xanh vi khuẩn hơn 95%. Giống ngọn ghép là giống cà chua F1 Savior có khả năng kháng bệnh khảm, có thời gian sinh trưởng dài, cho năng suất cao, chất lượng không thay đổi so với cà chua không ghép. Cà chua gốc ghép được sử dụng phương pháp ghép nối ống cao su. Thời gian từ khi ươm cây con đến khi cây ghép đưa ra trồng khoảng 50 - 55 ngày.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang lưu ý: Đất trồng cà chua phải thoát nước tốt trong mùa mưa và cung cấp đủ nước trong mùa khô. Đất được chuẩn bị trước khi trồng 15 - 20 ngày, cuốc vun liếp phơi khô cho tơi xốp và thoáng khí. Khi trồng cà chua có thể sử dụng màng phủ để hạn chế côn trùng và bệnh hại; ngăn ngừa cỏ dại; điều hoà ẩm độ và giữ cấu trúc mặt đất; giữ phân bón sử dụng lâu dài; hạn chế gây độc của phèn, mặn. Khoảng cách trồng thích hợp nhất là ngang mặt liếp: 1,2m trồng 2 hàng, mật độ trồng hàng cách hàng: 0,8m, cây cách cây 0,5m; mương thoát nước 0,6m.

Lưu ý, nên trồng vào buổi chiều mát, nhẹ nhàng để tránh vỡ đất xung quanh rễ, lấp đất vừa ngang miệng bầu đất, không được đụng vết ghép, cắm 1 que cạnh cây cà, dùng dây ny-lon hoặc chồng dây thun khoanh vào để cố định cây cà, tránh gió làm gãy ngay vết ghép. Sau khi trồng phải tưới nước ngay, dùng gáo tưới cách hốc từ 7 - 10cm cho đến khi cây hồi xanh hoàn toàn. 7 ngày sau khi trồng cây, ra ruộng tiến hành cắm cọc cố định cây và làm giàn.

Khi cây bắt đầu sinh trưởng mạnh, tưới rãnh từ 7 - 10 ngày/lần. Tưới tiêu nước: Cà chua cần nhiều nước nhất là lúc ra hoa rộ và phát triển trái mạnh. Giai đoạn này thiếu nước hoặc quá ẩm đều dẫn đến đậu trái ít. Nếu khô kéo dài thì tưới thấm là phương pháp tốt nhất, khoảng 3 - 5 ngày tưới 1 lần. Tỉa bỏ tất cả chồi dại ở dưới vết ghép và tỉa bỏ các chồi gốc khi vừa nhú ra, bắt đầu giữ chồi ngay dưới chùm hoa đầu tiên.

Cà chua ghép thuộc loại hữu hạn (cây thấp hơn 1m) thì giữ hết nhánh. Nên tỉa bỏ các lá chân đã già hoặc chuyển sang màu vàng giúp tập trung dinh dưỡng nuôi trái, cây thông thoáng, ít bị sâu bệnh (dùng tay đẩy chồi và lá chân để tránh lây mầm bệnh). 30 ngày sau khi trồng, cây bắt đầu ra hoa và 55 ngày bắt đầu cho thu hoạch. Do cà chua là cây sinh trưởng vô hạn, nên có thể thu hoạch kéo dài hơn 3 tháng nếu chăm sóc tốt.

HẠNH CHÂU