Hiệu quả từ mô hình nuôi chồn hương trong chuồng ở Tịnh Biên

15/03/2022 - 04:09

 - Sau gần 3 năm nuôi chồn hương theo hình thức nhốt chuồng, ông Nguyễn Văn Sáng (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nhận định, đây là mô hình có nhiều triển vọng phát triển, như: Chi phí thấp, ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao...

Chồn hương dễ nuôi

Mô hình nuôi chồn hương được ông Nguyễn Văn Sáng triển khai từ năm 2019, với sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Tịnh Biên. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã tác động tích cực đến đời sống của gia đình ông.

Để phát triển mô hình, ông Sáng xây dựng chuồng nuôi kiên cố và được chia thành 2 tầng, mỗi tầng được chia thành từng ô có chiều dài 80cm, cao 1m, rộng 1m (tầng trên)-1,3m (tầng dưới). Nền được đổ bằng bê-tông, có dốc khoảng 5-6 độ, giúp việc thoát nước dễ dàng... Xung quanh bao lưới chắc chắn để chồn hương không thoát ra ngoài, đặc biệt trong chuồng có cây gác giúp chồn hương vận động.

Điều này tạo môi trường tự nhiên, giúp chồn hương phát triển khỏe, đẻ nhiều và chăm sóc con tốt hơn. Theo ông Sáng, chuồng nuôi phải bảo đảm thoáng mát và nhận được nhiều ánh nắng vào buổi sáng. Mục đích nhằm giúp hấp thụ tốt can-xi, thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của chồn hương. Mặt khác, ánh nắng mặt trời giúp tiêu diệt lượng vi khuẩn trong chuồng, hạn chế một số loại bệnh tật trên vật nuôi này.

Mô hình nuôi chồn hương mở ra hướng đi mới cho nông dân huyện Tịnh Biên.

Cũng theo ông Sáng, trong chuồng còn bố trí thêm hộc bằng gỗ để giữ ấm trong những ngày trở lạnh; tránh nước mưa và làm tổ cho chồn cái nuôi con. Đặc biệt, ông Sáng còn sử dụng hệ thống cung cấp nước uống tự động giúp môi trường nuôi luôn khô thoáng, sạch sẽ... Khu vực chăn nuôi được xây dựng kiên cố quanh ao nuôi cá, nhằm chủ động nguồn nước rửa chuồng. Ao được thả một số loại cá, như: Cá rô phi, cá hường... làm thức ăn cho chồn.

Đây là loài động vật ăn tạp, có thể ăn hầu hết các loại thức ăn. Về thức ăn có nguồn gốc động vật, chồn hương thường ăn những côn trùng, như: Rắn, giun đất, chuột, trứng chim... Về thức ăn có nguồn gốc thực vật, chồn hương ăn những loại trái cây chín có vị ngọt, như: Nhãn, mít, chuối, đu đủ... Chồn hương là động vật hoang dã, rất dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh; không đòi hỏi nhiều công chăm sóc.

Tuy nhiên, người nuôi cần chủ động phòng ngừa bệnh cho chồn hương bằng cách lựa chọn thức ăn kỹ, giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường nuôi... Mùa lạnh cần bổ sung thêm một ít sả, cỏ tây vào khẩu phần ăn để giữ ấm đường ruột. Đặc biệt, loại vật nuôi này rất dễ bị lây nhiễm một số bệnh trên gia súc, gia cầm. Do đó, chuồng nuôi nên đặt xa khu vực sinh sống của gia súc, gia cầm.

Làm chơi ăn thiệt

Việc phát triển mô hình nuôi chồn hương được coi là nghề phụ, tạo thêm thu nhập cho gia đình ông Nguyễn Văn Sáng trong những lúc nông nhàn. Ông Sáng cho biết, tuy đây là “nghề phụ” nhưng nuôi chồn hương đang mang lại nguồn thu nhập khả quan cho gia đình, với khu nuôi rộng khoảng 200m2 (bao gồm diện tích ao nuôi cá), với 56 chuồng nuôi chồn hương bố, mẹ.

Theo tính toán của ông Sáng, chồn hương từ lúc sinh ra đến lúc xuất chuồng khoảng 10-12 tháng. Thời điểm này, trọng lượng mỗi con đạt từ 3,2-4kg đối với con đực; từ 2,7-3,5kg đối với con cái. Giá bán chồn hương thương phẩm dao động khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/kg, trong khi chi phí thức ăn khoảng 4.000 đồng/ngày (1,2-1,5 triệu đồng/vụ). Bình quân mỗi con chồn sau khi bán, ông Sáng thu về lợi nhuận từ 3,5-5 triệu đồng.

Ngoài bán chồn hương thương phẩm, gia đình ông Sáng còn bán con giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Theo ông Sáng, chồn hương cái sau thời gian nuôi khoảng 1 năm có thể sinh sản. Thời gian này, người nuôi phải theo dõi thường xuyên để biết được khoảng thời gian con cái động dục mà cho con đực vào ghép đôi. Chồn hương sinh sản 2 đợt/năm, mỗi đợt từ 2-3 con. Chồn hương sau khi sanh từ 2-3 tháng có thể bán giống (trọng lượng từ 0,6-1kg/con), giá bán từ 3-4 triệu đồng/con.

“Nuôi chồn hương không sợ gặp khó về đầu ra sản phẩm, có thương lái từ các nơi đến tận nhà đặt hàng và thu mua chồn hương. Hiện nay, số chồn thương phẩm và chồn hương giống của gia đình không đủ cung cấp ra thị trường” - ông Sáng chia sẻ.

Từ thực tế chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Sáng có thể thấy, nuôi chồn hương là mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, không đòi hỏi diện tích đất sản xuất lớn. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi và chăm sóc chồn hương đơn giản, không phải tốn nhiều công sức, nguồn thức ăn rất dễ tìm và giá rẻ.

Thời gian tới, ông Nguyễn Văn Sáng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi chồn hương để tăng thêm thu nhập gia đình. Ngoài ra, gia đình ông Sáng còn dự định nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ thịt chồn hương để cung ứng cho thị trường, tạo sự đa dạng sản phẩm, thu hút thêm khách hàng gần xa.

ThS Nguyễn Thị Biên Giới (Trạm Khuyến nông huyện Tịnh Biên) đánh giá, nuôi chồn hương là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình không đòi hỏi nhiều diện tích; kỹ thuật nuôi và chăm sóc đơn giản; không tốn nhiều công sức, có thể tận dụng sức lao động của mọi lứa tuổi; nguồn thức ăn dễ tìm... Mô hình vừa góp phần đa dạng hóa vật nuôi, vừa bảo tồn động vật hoang dã cho vùng Bảy Núi nói chung, huyện Tịnh Biên nói riêng.

Chồn hương (còn gọi là chồn mướp, cầy vòi hương) là một loài động vật hoang dã, cơ thể tiết ra mùi thơm như trái mướp hương, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món ăn đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng, quán ăn...

 

ĐỨC TOÀN