Hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm dạng trụ

11/08/2020 - 06:47

Nấm rơm là thực phẩm bổ dưỡng và đem lại nhiều lợi ích kinh tế, đặc biệt phù hợp cho những nông hộ ít đất sản xuất. Để khai thác tối đa hiệu quả, nhiều kỹ thuật trồng nấm rơm tiến bộ đã được ngành nông nghiệp trang bị cho nông dân, trong đó kỹ thuật mới nhất hiện nay là trồng nấm rơm phối trộn lục bình và bông vải dạng trụ trong nhà kín.

Mô hình nấm rơm trồng từ nguyên liệu rơm phối trộn lục bình và bông vải dạng trụ của nông dân Dương Văn Sang

Mô hình đang được thực hiện tại ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, Phú Tân) giúp nông dân Dương Văn Sang đạt năng suất cao hơn 100% so phương pháp sản xuất truyền thống. Được sự hướng dẫn và hỗ trợ vốn của Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, anh Dương Văn Sang làm quy mô nhà nấm 42m2, chiều cao đỉnh nhà trồng 3m. Thay vì chất dòng ở ngoài trời, anh thực hiện trong nhà kín và chất nguyên liệu dạng trụ. Nền nhà được tráng xi-măng cát đá, trên nền đặt các cột cắm mô nấm, cách nhau là 1m. Mái nhà và quanh vách nhà sử dụng tấm cao su bao xung quanh, vách nhà có thể vén lên hoặc hạ xuống được, thiết kế nhằm mục đích tạo độ thoáng khí, lượng ô-xy đối lưu điều hòa khắp nhà trồng. Trong nhà còn bắt bóng đèn để điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ trong mô nấm. Trước khi chất mô nấm, anh Sang tiến hành phun thuốc sát trùng chlorine hoặc sử dụng vôi bột sát trùng trong và xung quanh nhà nấm.

Sau khi hoàn chỉnh thiết kế nhà nấm, anh Sang thực hiện trình tự các bước trồng: ngâm rơm với nước vôi, ủ rơm 2 đợt (10-12 ngày) và tiến hành ủ bông vải (6 ngày). Khuôn chất nấm là ống nhựa tròn có đường kính 35cm, chiều dài 60cm, cắt dọc theo ống nhựa ra làm đôi, sau đó hàn mối nối để cố định khuôn khi chất. Meo nấm được sử dụng trong mô hình trình diễn là meo giống Thần Nông, phải chọn bịch meo tốt có những sợi tơ màu trắng trong, tơ nấm phát triển đều khắp mặt môi trường bịch meo, sợi tơ phát triển đều, không bị méo hoặc không có chỗ đậm, chỗ lợt hay có màu khác thường.

Rơm sau khi ủ được lấy ra ép và chất vào khuôn tròn, lần lượt lớp rơm cao 20cm thì rải đến lớp bông vải 2cm rồi rải 1 lớp meo giống, thực hiện liên tục đến khi trụ nấm cao 1,2m. Để tăng năng suất, meo nấm được trộn với các loại men vi lượng kích thích tơ bò nhanh. Trong quá trình trồng, sau 3-4 ngày anh Sang kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ mô nấm và hệ sợi tơ phát triển. Quan sát sau 8-10 ngày tơ nấm phát triển nhiều và xuất hiện đinh ghim, đồng thời bắt đầu thắp đèn liên tục (từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng) để kích thích nấm. Chỉ sau 12-15 ngày là có thể thu hoạch nấm, đợt 1 thu hoạch kéo dài từ 8-9 ngày, sau đó ngưng 1-2 ngày chăm sóc. Đợt thu hoạch thứ 2 kéo dài từ 3-4 ngày thì kết thúc vụ. Chia sẻ về năng suất của cây nấm, anh Sang cho biết, trong suốt vụ đã thu hoạch được hơn 260kg, giá bán 60.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 3,9 triệu đồng/100m mô.

Theo kỹ sư Lương Mỹ Phương, người hướng dẫn thực hiện mô hình tại hộ anh Sang, trồng nấm rơm trong nhà theo hướng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới, do có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng nấm rơm ngoài trời. Cụ thể, nông dân chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ, việc vệ sinh khu vực trồng nấm được thuận lợi hơn, tiết kiệm diện tích chất mô và không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, trồng nấm rơm trong nhà có nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Với phương pháp trồng nấm rơm trong nhà dạng trụ, chi phí đầu tư thấp hơn so với mô hình dạng kệ, nhờ sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn bông vải cho năng suất cao hơn so với cách trồng truyền thống sử dụng 100% nguyên liệu rơm.

Từng thực hiện cách trồng truyền thống, anh Sang so sánh: trước kia sử dụng 100% nguyên liệu rơm trồng nấm, trên 1m mô với 20kg nguyên liệu khô, năng suất nấm tươi đạt khoảng 1,5kg. Nay sử dụng 70% nguyên liệu rơm phối trộn 30% nguyên liệu bông vải, trên 1m mô với lượng nguyên liệu tương đương cho năng suất nấm tươi đạt khoảng 2,61kg (cao hơn 1,7 lần). Mô hình của anh Sang được Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân tổ chức cho nông dân đến tham quan, đánh giá hiệu quả trực tiếp.

Kỹ sư Lương Mỹ Phương cho biết: “Trồng nấm rơm sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn bông vải đã giúp cho người trồng nấm có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc sử dụng các nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp khác ngoài rơm để trồng nấm, thúc đẩy phát triển diện tích trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Phú Tân, góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động tại nông thôn, đem lại thu nhập cho người dân”.

MỸ HẠNH