Gạo Việt Nam khẳng định uy tín
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo trong tháng 10/2023 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, dù không tăng về lượng nhưng tăng 27% về giá trị so tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so cùng kỳ 2022.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến đầu tháng 11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan 560 USD/tấn và Pakistan 563 USD/tấn; gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan 520 USD/tấn, còn Pakistan chỉ 488 USD/tấn.
Bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) cho biết, để giữ uy tín trên thị trường xuất khẩu, một số doanh nghiệp (DN) của Việt Nam đã chấp nhận lỗ đối với một số đơn hàng giai đoạn đầu khi giá lúa nguyên liệu trong nước tăng cao. “Hoạt động xuất khẩu ghi nhận nhiều điểm sáng, xuất khẩu nông, thủy sản năm 2023 khả năng đạt 55 tỷ USD.
Đối với hoạt động xuất khẩu gạo, Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ là cơ sở để chế tài, thu hồi điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đối với những DN không thật sự làm gạo. Các bộ, ngành đang lấy ý kiến xem xét bổ sung điều kiện xuất khẩu gạo là DN phải tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu theo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa)” - bà Bình thông tin.
Theo Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Trần Thanh Bình, với các yếu tố chính trị và tác động của thời tiết, khả năng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ còn duy trì ít nhất đến tháng 2/2024 nhằm giữ ổn định lương thực trong nước. Để tận dụng tốt cơ hội và hướng đến thị trường xuất khẩu gạo ổn định, Bộ Công Thương đang tham mưu xây dựng cơ chế MOU (bản ghi nhớ hợp tác) với các đối tác nhập khẩu theo cơ chế thị trường. “Có đối tác đặt vấn đề mua gạo giá rẻ, chúng tôi khẳng định Việt Nam không còn gạo phẩm cấp thấp, giá rẻ nữa. Các DN cần xây dựng vùng liên kết trồng lúa chất lượng cao, trong đó lưu ý yếu tố sản xuất xanh, phát thải thấp nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường Liên minh Châu Âu (EU) và các nước phát triển” - bà Bình khuyến cáo.
Liên kết là tất yếu
Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới, kéo theo giá lúa nguyên liệu tăng mạnh, nông dân vui mừng nhưng nhiều DN lại lo. “Khi giá quá cao, gạo Việt Nam dễ mất thị trường, do gạo Thái Lan rẻ hơn. Thực tế một số gói thầu, DN Việt Nam ngại tham gia bởi lo không đủ gạo cung ứng theo hợp đồng” - Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông Nguyễn Việt Anh phân tích.
Thống kê của VFA cho thấy, DN Việt Nam có năng lực giao hàng tốt, khả năng trúng thầu cung ứng 50.000 - 100.000 tấn gạo là “trong tầm tay”, nhưng DN lo không mua được hàng nên còn thận trọng khi quyết định ký hợp đồng giao xa. Vấn đề đặt ra với ngành hàng lúa gạo là cần nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết giá trị; trong đó cần đa dạng các nguồn vốn tín dụng để DN, nông dân, hợp tác xã chủ động kết nối lâu dài, tận dụng công nghệ nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch và chế biến, tăng lợi thế cạnh tranh.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho rằng, Đề án 1 triệu ha lúa mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng được xem là giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi liên kết giá trị lúa gạo.
"Chất lượng cao không chỉ về giống mà còn chuẩn hóa đầu vào, phương án sản xuất, phát thải thấp, giảm phân, thuốc hóa học, tận dụng cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch. Giải pháp kèm theo đề án là đầu tư cơ sở hạ tầng để cải tạo đồng ruộng, quản lý nước nhằm giảm phát thải. Đây là sự tiếp nối từ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), đã triển khai thành công 180.000ha lúa bền vững ở vùng ĐBSCL” - ông Thắng thông tin.
Tham gia Đề án 1 triệu ha lúa, các hợp tác xã được hỗ trợ mở rộng quy mô; thực hiện cơ chế tín dụng đặc thù cho DN, hợp tác xã để liên kết bền vững. “Ngân hàng thế giới (WB) đồng hành chi trả tín chỉ carbon 40 triệu USD, đồng thời cho vay vốn ưu đãi 100 triệu USD khi DN liên kết sản xuất đúng tiêu chí phát thải thấp của đề án. Bên cạnh, các tổ chức tài chính quốc tế cũng đúng cam kết cung ứng 60 - 70% nguồn vốn vay nếu DN đáp ứng yêu cầu, cộng với tín dụng trong nước sẽ tạo ra mạng tín dụng lớn, đa dạng cho chuỗi liên kết lúa gạo bền vững và hợp đồng xuất khẩu” - ông Thắng đánh giá.
Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho biết, cùng với Đề án 1 triệu ha lúa, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án chuỗi logistics nông nghiệp, trong đó có lúa gạo. “Đề án là khung để các địa phương thực hiện, trong đó tập trung vào các giải pháp tổ chức ngành hàng liên kết hài hòa, khắc phục dần câu chuyện thị trường quốc tế đang tốt nhưng khâu chuẩn bị còn khó khăn. Các bên tham gia vào hệ sinh thái lúa gạo có nhiều quyền lợi và nghĩa vụ đan xen nhau, giúp chuỗi liên kết càng chặt chẽ và hiệu quả” - ông Tiệp nói.
Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, trong khi nhiều nước gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, chỉ sản xuất được 1 vụ/năm, thì Việt Nam hiện là "cường quốc" về lúa gạo, trong đó vùng ĐBSCL có thể sản xuất lúa liên tục quanh năm. Sản lượng lúa năm 2023 khả năng đạt 43 triệu tấn (tăng 432.000 tấn so năm 2022), tương đương 28 triệu tấn gạo, rộng cửa xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực trong nước. |
NGÔ CHUẨN