Ít hợp đồng xuất khẩu, lúa trên đồng giảm giá mạnh

22/02/2019 - 07:36

 - Những ngày qua, nông dân ở các địa phương trong tỉnh bước vào thu hoạch vụ đông xuân 2019. Khác với vụ đông xuân năm trước, năm nay khi bước vào đầu vụ thu hoạch, giá lúa trên đồng giảm mạnh khiến nông dân rất lo lắng.

Trông chờ giá lên

Gia đình ông Trần Văn Nam (ở phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) canh tác trên 5ha lúa IR 50404. Những ngày qua, ruộng lúa nhà ông đã chín trên đồng nhưng thương lái không đến mua, mặc dù trước đó vào thời điểm lúa trổ bông, thương lái đã đến đặt cọc mỗi công 200.000 đồng. Hiện, lúa đông xuân đang giảm giá mạnh, nhiều nơi trong tỉnh thương lái đã “trở mặt” với nông dân. Thương lái chọn giải pháp “bỏ cọc” hơn là đến thương lượng giá mua bán. Động thái này đã làm giá lúa trên địa bàn tỉnh từ trên 5.000 đồng/kg vào thời điểm trước Tết Nguyên đán giảm xuống còn 4.300 đồng/kg (đối với lúa IR50404) ở thời điểm hiện nay. “Năm 2018, cả 3 vụ sản xuất, lúa đều có giá rất tốt. Cụ thể, thời điểm tháng 10-2018, lúa IR 50404 có giá 5.800 đồng/kg. Lúa có giá do tình hình xuất khẩu gạo tốt, vì vậy bước vào vụ sản xuất đông xuân năm nay, bà con không ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp. Khi xuất khẩu gặp khó, lúa rớt giá, nông dân phải chịu. Với mức giá thương lái mua trong những ngày qua từ 4.300 - 4.400 đồng/kg, nông dân không có lời” - ông Nam phân tích.

Lúa trên đồng chờ thương lái đến mua

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 234.098ha. Các huyện có diện tích sản xuất lớn là: Châu Phú, Thoại Sơn, Châu Thành, Phú Tân, Tri Tôn, Tịnh Biên… Hiện lúa đã chín, có nơi nông dân thu hoạch đến 20% diện tích gieo sạ (trong vụ đông xuân). Với giá lúa như hiện nay, nhiều nông dân trong tỉnh không vui. Hiện, không chỉ có TP. Long Xuyên, Thoại Sơn, Châu Thành, nông dân hàng ngày chờ lúa lên giá để bán mà tất cả nông dân trên địa bàn tỉnh đều lâm vào tình cảnh này.

Cần một giải pháp

Từ thực tế lúa trên đồng trong những ngày qua rớt giá cho thấy, sản xuất theo hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân là tốt nhất, cách làm này có lợi cho cả đôi bên. Nông dân biết trước được mức lợi nhuận khi bắt tay vào vụ sản xuất, doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu. Mô hình “Cánh đồng lớn” được xem là mô hình phát triển mang tính bền vững bởi nó góp phần điều tiết cung - cầu, điều tiết sản xuất, giúp nông dân lẫn doanh nghiệp ở thế chủ động. “Hiện nay, ngành nông nghiệp đang vận động nông dân và doanh nghiệp đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình “Cánh đồng lớn”. Vì trong bối cảnh hiện nay, đây là con đường tốt nhất để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Ít hợp đồng xuất khẩu, lúa trên đồng giảm giá mạnh, nông dân lo lắng và đang trông chờ các giải pháp mang tính hỗ trợ từ phía nhà nước. Ngày 19-2, Chính phủ đã có cuộc họp với các bộ, ngành để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung triển khai mua lúa dự trữ quốc gia của năm 2019, số lượng lúa mua vào là 80.000 tấn và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua thêm 100.000 tấn tiếp theo nếu giá lúa tiếp tục giảm. Thủ tướng chỉ đạo các tổng công ty lương thực thực hiện đúng Nghị định số 157/NĐ-CP, mua dự trữ 5% theo quy định. Các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu gạo cho Philippines 200.000 tấn. Sau buổi làm việc giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc, phía thương nhân Trung Quốc đã xác định, sẽ mua của các doanh nghiệp Việt Nam 100.000 tấn gạo (trong giai đoạn hiện nay). Ngoài nhất trí với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc mua lúa trong thời kỳ Nam Bộ đang thu hoạch rộ vụ đông xuân. Bộ Công thương tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa cho nông dân.

Với những giải pháp mang tính “cấp bách” vừa nêu, hy vọng trong những ngày tới, giá lúa trên đồng sẽ không còn rớt xuống thấp như hiện nay, góp phần giúp nông dân có được lợi nhuận tốt trong vụ sản xuất đông xuân 2019.

Bài, ảnh: MINH HIỂN