Kết nối cung - cầu công nghệ trong nông nghiệp

17/05/2023 - 05:58

 - Khoa học và công nghệ được coi là “xương sống”, đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp vô cùng quan trọng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu nông sản. Để tiến vào thị trường các nước, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nông sản phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) không ngừng tiếp cận công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sở Khoa học và Công nghệ An Giang vừa đăng cai tổ chức “Phiên kết nối cung cầu công nghệ và thiết bị”, nhận được hưởng ứng tích cực của hàng chục DN trong, ngoài tỉnh. Phiên kết nối tạo điều kiện cho DN nâng cao khả năng tiếp cận, lựa chọn, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Phiên kết nối thu hút 22 công ty, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời, Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học An Giang; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ các tỉnh: Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP. Cần Thơ. Các trung tâm, đơn vị ở An Giang tham gia trưng bày sản phẩm, thiết bị công nghệ, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận An Giang. Đây là dịp để DN, tổ chức, cá nhân đến tham quan, tìm hiểu và ứng dụng công nghệ mới.

Đại biểu tham quan sản phẩm, thiết bị công nghệ mới

Các đơn vị trưng bày, giới thiệu thiết bị và công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất các loại vật liệu; công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực thẩm, sản xuất giống thủy sản, ứng dụng điều khiển thông minh trong chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi số trong DN…

Qua 2 ngày trưng bày, hàng trăm nông dân, DN, nhà quản lý trên địa bàn tỉnh tiếp cận với công nghệ mới. Từ đó, có kế hoạch ứng dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, đầu tư phát triển công nghệ thông minh, chế biến, bảo quản sau thu hoạch - lời giải cho nông sản.

Công ty Cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) thu hút rất đông nông dân tham quan với sản phẩm máy bay không người lái ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Theo đơn vị, mong muốn đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới, AgriDrone mang đến giải pháp công nghệ hiện đại, giúp bà con áp dụng cải tiến khoa học - kỹ thuật của thế giới vào sản xuất. Công ty Cổ phần Nextvision (TP. Hồ Chí Minh) trưng bày sản phẩm công nghệ hệ thống cho ăn tự động, giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh Nextfarm, hệ thống châm phân dinh dưỡng tự động...

Công ty TNHH TMDV DTC (TP. Hồ Chí Minh) trưng bày máy móc công nghệ hiện đại dùng trong nông - công nghiệp, như: Máy tách màu, cân đóng gói chân không tự động, tháp sấy lúa tuần hoàn, silo... Công ty TNHH Mai Thiên Thanh (tỉnh Đồng Tháp) giới thiệu hệ thống xử lý bùn thải làm phân bón. Công ty Cổ phần Rynan Technologies VietNam (tỉnh Trà Vinh) giới thiệu thiết bị trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, bao bì, in ấn, truy xuất nguồn gốc, vật tư nông nghiệp và thiết bị cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Ở An Giang, Công ty Cổ phần Chí Công giới thiệu thiết bị chế biến cá tra phi-lê, thiết bị chế biến thủy hải sản, nông sản, lương thực, thực phẩm, gàu tải chuyển liệu... Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang với sản phẩm máy móc, công cụ cơ khí phục vụ sản xuất công, nông nghiệp, các khâu canh tác, thu hoạch, xử lý và chế biến, đóng gói, tồn trữ, vận chuyển...

Nhiều sản phẩm mới, đặc trưng của An Giang từ đổi mới sáng tạo, công nghệ mới cũng được “trình làng”, như: Yến chưng mật hoa thốt nốt tươi, đông trùng hạ thảo, linh chi đỏ... của Công ty TNHH Yến sào 7 Núi. Cùng hàng trăm sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa... của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Hóa Nông An Giang. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang chia sẻ quy trình sản xuất sản phẩm: Tinh bột nghệ, bột linh chi hòa tan, sầu riêng sấy thăng hoa... Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang trưng bày một số sản phẩm nuôi cấy mô, đặc sản vùng Bảy Núi.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phan Văn Kiến cho biết: “Buổi kết nối cung cầu công nghệ giúp DN, cơ sở mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng vào cơ sở mình, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ theo Quyết định 71/QĐ-UBND; Quyết định 1406/QĐ-UBND. Theo các chính sách này, khi chủ cơ sở, DN đầu tư tiếp nhận thiết bị công nghệ mới để sản xuất sản phẩm, có thể được hỗ trợ một phần kinh phí”.   

HẠNH CHÂU