Khá lên nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

28/08/2024 - 06:57

 - Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống người dân. Nhận thức được vấn đề này, nông dân TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn với thị trường, đời sống không ngừng nâng lên.

Từ trồng lúa

Ông Khưu Bá Phúc (ấp Phú Hưng, xã Phú Vĩnh) là một điển hình trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Thời gian qua, từ vận động của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn chuyển đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất, thay đổi cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ nên cuộc sống ngày càng khấm khá.

“4 mục tiêu chính buộc chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là: Giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất; đa dạng hóa sản xuất; giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu và dịch bệnh; bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…” - ông Phúc chia sẻ.

Ông Phúc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trồng lúa chất lượng thấp sang trồng lúa chất lượng cao, có áp dụng tiến bộ kỹ thuật; sản xuất theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, sử dụng phân bón hữu cơ để nâng cao chất lượng hạt gạo. Giống lúa ông Phúc trồng là giống Đài Thơm 8, OM 18…

Về sau, cũng trên mảnh đất này, thay vì trồng lúa thương phẩm, ông chuyển sang nhân giống lúa, phục vụ cộng đồng, góp phần giải quyết cho 25 lao động nhàn rỗi ở nông thôn có việc làm ổn định. “Tôi mua lúa nguyên chủng từ các viện, trường đại học, mang về nhân giống xác nhận, bán cho bà con quanh vùng để gieo cấy. Sạ giống xác nhận, ruộng lúa cho năng suất cao, hạ gạo thơm ngon, phục vụ tích cực cho xuất khẩu gạo, nông dân thích lắm…” - ông Phúc, chia sẻ.

Ông Phúc cho biết thêm, nông dân TX. Tân Châu rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã đề ra chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, đời sống của nông dân khấm khá, thu nhập bình quân đạt 68 triệu đồng/người/năm, có hộ đạt gần 1 tỷ đồng nhờ chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang mô hình đa canh, cho hiệu quả kinh tế cao…

… đến cây ăn trái

“Đồng ruộng hiện nay không chỉ có trồng lúa hoặc hoa màu, mà còn trồng nhiều loại cây khác, trong đó có cây mai giảo hay mô hình nhân giống rau màu trong nhà màng. Trồng dưa lưới, dưa lê trong nhà màng… Đây là những mô hình cho giá trị kinh tế rất tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường từ đó đời sống của nông dân khá lên….” - ông Nguyễn Văn Mãi, xã Phú Vĩnh, chia sẻ.

Việc làm ổn định, đời sống khá lên, nông dân TX. Tân Châu đã cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm giàu, đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội - từ thiện với phương châm “lá lành đùm lá rách”, từ đó tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, bà con cùng với chính quyền, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nếu ở Phú Vĩnh có ông Khưu Bá Phúc, Nguyễn Văn Gom chuyển từ trồng cây lúa truyền thống sang trồng các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao thì ở xã Phú Lộc có ông Trần Minh Quang, Thái Văn Minh, xã Tân An có ông Lưu Minh Hoàng… Đây là những nông dân đi đầu trong chuyển đổi tư duy, nhận thức, thay đổi cây trồng cũ, mô hình cũ  bằng những cây trồng mới, mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao.

“Trồng dưa lưới trong nhà màng là một phương pháp canh tác hiện đại, mang lại nhiều lợi ích so với cách trồng truyền thống (ngoài trời). Bởi, kiểm soát được môi trường sinh trưởng, cây phát triển tốt hơn, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao…” - ông Lưu Minh Hoàng, ấp Tân Phú B, xã Tân An, chia sẻ.

Mỗi vụ dưa lê, ông Lưu Minh Hoàng đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng/công

Mỗi dây dưa cho từ 1- 2 trái

Ban đầu, ông Hoàng chỉ trồng 1.000m2 dưa lưới trong nhà màng. Sau 1 vụ trồng, thấy được hiệu quả kinh tế, ông đã nâng diện tích trồng dưa lên 2.000m2. Thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt trên 800 triệu đồng.

“Lợi ích nổi bật khi trồng dưa lưới trong nhà màng là kiểm soát điều kiện thời tiết, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch quanh năm, giảm được chi phí sản xuất; nhờ hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; từ đó tăng thu nhập cho nông dân…” - ông Hoàng chia sẻ.

Khá lên nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở TX. Tân Châu đã cùng chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác xã hội - từ thiện, đóng góp cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa; Quỹ cây mùa xuân, đóng góp cho công tác tuyển quân, gắn đèn chiếu sáng trên các công trình đường giao thông nông thôn; đóng góp xây nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương và nhiều việc làm thiết thực khác, mang lợi ích rất lớn cho cộng đồng, xã hội.

MINH HIỂN