Khai phóng tiềm năng kinh tế dược liệu An Giang

08/01/2025 - 06:39

 - Mỗi năm, tỉnh thu hoạch khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại, với tổng giá trị khoảng 487 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD). Dù sở hữu nhiều lợi thế, ngành dược liệu An Giang vẫn còn nhiều khó khăn liên quan từ khâu sản xuất đến tiêu thụ...

Thực trạng ngành hàng dược liệu

TS. Hồ Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Từ năm 1981, An Giang đã bắt đầu nghiên cứu và phát hiện khoảng 350 loài cây thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị cao. Đến năm 1991, An Giang đã nghiên cứu tăng đến 680 loài cây làm thuốc và biên tập thành tập sách “Cây thuốc An Giang”. Tỉnh xây dựng vùng “Sưu tập và bảo tồn cây dược liệu quý vùng Bảy Núi” vào năm 2008. Các nghiên cứu sau đó đã ghi nhận khoảng 1.083 loài cây dược liệu, đặc biệt ở vùng Bảy Núi, một số loài quý hiếm nằm trong danh mục đỏ và tỉnh có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm thực dưỡng”.

Chị Châu Thị Nương thành công với mô hình trồng nấm thực phẩm và nấm dược liệu công nghệ cao

 Nhiều công trình nghiên cứu nổi bật liên quan cây dược liệu tại An Giang đã được triển khai, như: Tính kháng khuẩn và khử mùi của tinh dầu chúc; quy trình sản xuất thực phẩm chức năng từ thân rễ cây ngải trắng; nghiên cứu phát triển chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị từ cây ngải đen; nghiên cứu thành phần các hoạt chất có tác động hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa từ củ ngải bún… Các công trình nghiên cứu đã phát hiện nhiều thành phần dược chất quý từ cây dược liệu tại An Giang có tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh.

 Ngoài ra, y học cổ truyền của tỉnh phát triển mạnh mẽ với việc sử dụng phổ biến cây dược liệu trong điều trị bệnh. Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền ngày càng tăng, mạng lưới Hội Đông y bao phủ 100% huyện, thị xã, thành phố. Cùng với sự ra đời của Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh là cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền lớn nhất của tỉnh.

Loài dược liệu lợi thế

An Giang đã xây dựng chỉ dẫn địa lý khoảng 50 loài dược liệu đặc trưng; xây dựng được quy trình kỹ thuật về nhân giống, chăm sóc, thu hoạch cho 4 loài dược liệu tiêu biểu, gồm: Huyền tinh, sâm đại hành, xạ đen, kim ngân hoa. Có 38 loài dược liệu nằm trong danh mục Sách đỏ và loài tiềm năng. Nhiều loài nằm trong danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển, như: Dâu tằm, đinh lăng, ké đầu ngựa, kim ngân, lạc tiên, linh chi, sen... và 15 loài ưu thế như: Nho rừng, chúc, ngãi đen, ngãi bún, lan kim tuyến, xáo tam phân, cát cánh, huyền tinh, xạ đen, sâm bố chính, đẳng sâm, sâm dây, thượng đẳng nhân sâm...

 An Giang đã từng bước hình thành các tiểu vùng nguyên liệu, với tổng diện tích khoảng 322ha như vùng trồng: Cây dó bầu trên 250ha tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên; 12ha gấc ở xã Vĩnh Phước; 10ha rau dừa cạn ở huyện Phú Tân; 5ha nhàu huyện Thoại Sơn; 10ha huyền; chúc 1.800 cây; nho rừng 350 cây…

Các sản phẩm dược liệu từ kim ngân hoa của BS. Vũ Minh Tú

Nhiều mô hình sản xuất

Tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cây dược liệu, nấm dược liệu và các sản phẩm tiêu biểu. Như nông trại trồng nấm thực phẩm và nấm dược liệu công nghệ cao của nông dân giỏi Châu Thị Nương (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn), trồng 20.000 phôi nấm thực phẩm (nấm mối) và 10.000 phôi nấm dược liệu (nấm linh chi) trên 1,5ha. Mỗi tháng, trại nấm xuất ra thị trường 2 - 3 tấn nấm, giá nấm dược liệu 1,5 - 2 triệu đồng/kg, giá nấm thực phẩm 40.000 - 250.000 đồng/kg, thu nhập 800 - 900 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 - 30 lao động. Mô hình trồng 10.000m2 dược liệu kim ngân hoa của BS. Vũ Minh Tú (xã Kiến An, huyện Chợ Mới), ứng dụng phương pháp trồng thuần tự nhiên, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, làm cỏ bằng tay, cắt cỏ bằng máy; không sử dụng phân bón hóa học. 1kg hoa tươi giá khoảng 150.000 đồng.

Bên cạnh đó, hơn 15 sản phẩm trà từ thực vật đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên: Kim ngân hoa túi lọc (OCOP 4 sao), trà bạch hoa thảo, đinh lăng, xạ đen, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo… Nhóm sản phẩm tinh dầu: Tinh dầu chúc và tinh dầu trầm hương; nhóm thực phẩm: Bột huyền, rượu đinh lăng; rượu đông trùng hạ thảo; sản phẩm nhang sạch từ cây thuốc của vùng Bảy Núi: Nhang trầm hương, nhang sứ, nhang cam...

Giải pháp phát triển

TS. Hồ Thanh Bình cho rằng: Tỉnh cần thu hút đầu tư các Tập đoàn, doanh nghiệp dược trong và ngoài nước; đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn; đầu tư bảo tàng dược liệu An Giang kết hợp đầu tư địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khỏe và để thực tập sinh nghiên cứu. Đặc biệt, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu; quy hoạch vùng bảo tồn, vùng trồng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng, đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCOP và thương hiệu dược liệu An Giang. Cùng với triển khai hiệu quả cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu, tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chế biến các sản phẩm dược liệu; tăng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, kết nối phát triển thị trường dược liệu.

 An Giang sở hữu kho tàng dược liệu quý hiếm, cùng với nền y học cổ truyền phong phú, tạo nên những lợi thế độc đáo để phát triển ngành dược liệu. Thị trường trong nước và quốc tế ngày càng quan tâm đến các sản phẩm từ thiên nhiên, mở ra cơ hội lớn cho An Giang. Với những tiềm năng sẵn có, ngành dược liệu An Giang hoàn toàn có thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Khai phóng tiềm năng dược liệu mở ra cơ hội giúp tăng thu nhập, kinh tế hộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển kinh tế - xã hội.

HẠNH CHÂU