Nhiều nông dân chủ động sản xuất sạch để tăng sức cạnh tranh trên thị trường
Liên kết sản xuất rau an toàn
Mô hình sản xuất rau an toàn đã gắn bó với bà con nông dân ở phường Mỹ Thạnh, xã Mỹ Khánh, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) hàng chục năm qua. Từ sản xuất nhỏ lẻ, được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương, cùng các ngành chuyên môn đã hình thành nhiều tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở các địa phương, mỗi năm cung ứng ra thị trường một lượng lớn rau sạch.
Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên Nguyễn Thanh Sơn cho biết, nhận thấy nhu cầu chính đáng của nông dân, đơn vị đã kết hợp Hội Nông dân TP. Long Xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, sản xuất rau an toàn. Bên cạnh đó, còn triển khai nhiều dự án như: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại TP. Long Xuyên”, “Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ sản xuất rau hữu cơ tại TP. Long Xuyên”... nhằm giúp nông dân có điều kiện học tập kỹ thuật canh tác mới, thay đổi thói quen sản xuất như lâu nay.
Với sự năng động, sáng tạo, nông dân đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng thị trường, đồng thời tiếp nhận sự đầu tư hợp lý, giúp nông dân xã Mỹ Hòa Hưng có được nguồn thu nhập ổn định, tạo thương hiệu riêng cho địa phương. Nông dân chủ động liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP xã Mỹ Hòa Hưng, diện tích canh tác trên 12ha, với hàng chục thành viên tham gia. Nhận thấy tiềm năng phát triển, UBND TP. Long Xuyên đã nhanh chóng đầu tư nhà sơ chế, nhà lưới, hệ thống tưới phun, cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn... nhằm hỗ trợ nông dân phát triển rau an toàn hiệu quả nhất. Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của thành phố, tỉnh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tham gia sản xuất rau an toàn. “Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 400.000 - 500.000 đồng/ha/vụ, sản phẩm chất lượng và lợi nhuận cũng tăng theo” - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng Huỳnh Ngọc Diện cho hay.
Hiện nay, Tổ sản xuất rau an toàn xã Mỹ Hòa Hưng được cấp chứng nhận hàng chục loại rau - củ - quả, cung cấp thường xuyên cho siêu thị Co.opmart Long Xuyên, chợ Mỹ Bình, Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam... với giá cả hợp lý, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận được với các sản phẩm an toàn.
Nông dân chủ động
Canh tác hữu cơ không chỉ tạo được hàng hóa nông sản an toàn mà còn giúp nông dân cải tạo lại diện tích đất đã mất dần độ màu mỡ do quá trình thâm canh, tăng vụ liên tục trong nhiều năm qua. Theo anh Sơn, nói đơn giản nhất, canh tác hữu cơ là nông dân sẽ quay lại với lối canh tác từ thời xa xưa của ông bà mình, tận dụng nguồn phân chuồng, đậu nành... có sẵn ở địa phương. Bên cạnh đó, canh tác theo hướng này sẽ loại bỏ dần sự ảnh hưởng của phân bón, thuốc hóa học, chỉ có như vậy, nông sản làm ra mới đảm bảo an toàn, tạo ra môi trường sinh thái thuận tự nhiên.
Từ canh tác theo kiểu truyền thống, tham gia tổ sản xuất rau an toàn, hiện nay anh Võ Văn Bé Năm (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) đã canh tác rau màu theo phương pháp hữu cơ, loại bỏ hoàn toàn phân, thuốc hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ như: phân gà, phân bò, đậu nành ủ… Được tham gia các lớp tập huấn, anh Bé Năm nhanh chóng mang hết kiến thức cùng kinh nghiệm có được áp dụng ngay trên chính diện tích đất sản xuất của gia đình. Với 1.000m2 đất, mỗi vụ anh Năm gieo 18kg hạt giống rau muống theo kiểu “cuốn chiếu” nhằm thu hoạch rau liên tục. Sau 18-20 ngày gieo trồng, ruộng rau muống của anh Bé Năm cho thu hoạch từ 55-60kg rau, cung cấp rau an toàn ra các chợ trên địa bàn TP. Long Xuyên.
“Canh tác rau hữu cơ không hề khó khăn, mình phải bỏ công nhiều hơn mà thôi. Bởi vậy, phải vừa làm vừa suy nghĩ, công sức mình làm ra được trả xứng đáng bằng những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, trong đó có bản thân và gia đình. Đó là chưa kể, trong quá trình canh tác, sử dụng phân hữu cơ sẽ là biện pháp tốt nhất để cải tạo đất, tăng độ màu mỡ cho đất, điều mà nhiều bà con đang dần quên đi” - anh Bé Năm tâm huyết.
ÁNH NGUYÊN