Khởi nghiệp từ dúi

18/12/2023 - 19:18

Sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ thôi thúc Lê Thị Tuyết Trinh (ngụ phường Tịnh Biên, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi dúi. Những tín hiệu khả quan của mô hình giúp gia đình Tuyết Trinh có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, mở ra nhiều triển vọng, truyền cảm hứng cho thanh niên địa phương khởi nghiệp.

Ngày nay nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng trên thị trường ngày càng tăng cao. Trong đó, dúi được xem là đặc sản của vùng núi, chất lượng thịt thơm ngon, nhiều giá trị dinh dưỡng... Thức ăn cho loại vật nuôi này cũng đa dạng, phổ biến ở địa phương. Nhận thấy tiềm năng hiệu quả kinh tế ấy, Lê Thị Tuyết Trinh mạnh dạn đầu tư, xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dúi.

Trinh cho biết, hơn 1 năm trước, gia đình chị tận dụng khu vực nhà ở phía sau, sử dụng gạch men (kích thước 60 x 60cm) ngăn thành từng ô để nuôi dúi. Chuồng dúi được xếp theo dạng tầng, có thể tối ưu diện tích. Con giống được chọn nuôi là 2 loại phổ biến hiện nay (dúi má đào, dúi mốc).

Dúi má đào có cặp má màu hồng hoặc vàng, khá mũm mĩm. Chúng chỉ sinh từ 3 - 6 con/lần. Dúi mốc là giống phổ biến, thời gian giữa 2 lần sinh sản ngắn, sinh sản số lượng nhiều (từ 5 - 8 con/lần). Tuy nhiên, giống dúi má đào cho hiệu quả kinh tế cao hơn, bởi cùng điều kiện chăn nuôi, dúi con cho trọng lượng lớn, bán được giá cao hơn.

Mô hình nuôi dúi đã mở ra hướng khởi nghiệp mới

Thời gian đầu tiếp cận với mô hình, Tuyết Trinh gặp nhiều khó khăn. Chị chia sẻ: “Tôi mua 6 con dúi mốc về nuôi. Chưa có kinh nghiệm, cộng với mua con giống kém chất lượng, nên tôi thất bại, dúi bị chết hàng loạt. Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu nguyên nhân; trang bị thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi; chọn mua con giống ở địa chỉ chất lượng… Nhờ vậy, việc chăn nuôi dần thuận lợi. Hiện nay, đàn nuôi dúi của gia đình đã phát triển khá ổn định”.

Nói về kỹ thuật nuôi dúi, Tuyết Trinh cho biết, đây là loại động vật hoang dã khá dễ nuôi, không tốn nhiều công chăm sóc. Thức ăn là các loại rau củ, tre, thân cây khoai mì, mía có sẵn ở địa phương. Đặc biệt, loài dúi không cần uống nước, chất thải ít, khô nên hạn chế ảnh hưởng môi trường nuôi.

Tuy nhiên, chị lưu ý, trong quá trình nuôi cần chú ý đến nhiệt độ. Chuồng phải đặt ở nơi kín gió, ít tiếng động và che chắn để ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào. Để dúi sinh trưởng, phát triển tốt, chuồng nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn “mát về mùa hè, ấm vào mùa đông”, bố trí thêm quạt, đèn sưởi. Không chỉ vậy, cần chú ý phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm ở dúi, như: Tiêu chảy, viêm phổi…

Nhờ chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ, đàn dúi của gia đình Tuyết Trinh sinh trưởng đến 40 chuồng nuôi, 28 con dúi các loại. Nhờ giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, nên thịt dúi được người dân trong và ngoài địa phương ưa chuộng.

“Gia đình tôi cung cấp đồng thời dúi thịt và dúi giống theo yêu cầu, nhưng chủ yếu vẫn là cung cấp con giống. Giá dúi thịt dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, dúi giống từ 1 - 1,5 triệu đồng/cặp. Dúi hiện đang được người dân địa phương quan tâm, sản lượng nuôi không đủ cung cấp cho thị trường”- Tuyết Trinh chia sẻ.

Cứ mỗi tháng lại có 1 đợt xuất chuồng (khoảng 5 - 6 cặp dúi giống). Nhận thấy những ưu điểm, tiềm năng mà mô hình nuôi dúi mang lại, thời gian tới, gia đình Tuyết Trinh tiếp tục nhân rộng, gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, Tuyết Trinh sẵn lòng chia sẻ bí quyết, hướng dẫn kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên địa phương muốn phát triển mô hình. Bí thư Phường đoàn Tịnh Biên Trần Đại Nghĩa đánh giá: “Mô hình nuôi dúi của bạn Lê Thị Tuyết Trinh bước đầu đạt hiệu quả nhất định. Với nhiều ưu điểm, như: Dễ nuôi, ít dịch bệnh, nhẹ công chăm sóc, lại có đầu ra ổn định do chưa có sự cạnh tranh tại địa phương… mô hình có nhiều tiềm năng để phát triển, nhân rộng. Phường đoàn có kế hoạch nhân rộng mô hình để đoàn viên, thanh niên được tiếp cận, có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.

ĐỨC TOÀN