Kinh tế ổn định nhờ nuôi cá đặc sản

26/01/2022 - 03:24

 - Đã có lúc, hộ nuôi trồng thủy sản lao đao vì con cá. Các mặt hàng xuất khẩu từng là thế mạnh, như: Cá tra, cá điêu hồng, cá he… đều giảm mạnh, hiệu quả kinh tế sau mỗi vụ nuôi rất thấp, nhất là trong đại dịch COVID-19. Câu chuyện trên buộc người nuôi phải thay đổi tư duy, cách làm.

Bán cái thị trường cần

Trước thực tế khó khăn, một số người dân tìm cách chuyển hướng, thay đổi mô hình sản xuất bằng cách nuôi các loại cá đặc sản, tiêu thụ thị trường nội địa. Gia đình ông Huỳnh Văn Thi (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là một điển hình.

“Gia đình tôi trước đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, nuôi heo. Gần 10 năm nay, giá cả thị trường liên tục biến động, tôi tìm cách chuyển nghề. Chọn nuôi cá tra xuất khẩu thì không đủ vốn. Tôi quyết định nuôi các loài cá đặc sản (cá dứa, cá sát), tiêu thụ thị trường nội địa” - ông Thi chia sẻ.

Chọn đúng đối tượng nuôi, “bán cái thị trường cần, không bán cái mình có”, từ đó việc tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng. Cá dứa, cá sát hiện nay trở thành đặc sản ưa chuộng của thực khách sành ăn. Chúng là cá da trơn, có mặt trong lưu vực sông Mekong hàng trăm năm qua. Ở môi trường tự nhiên, cá dứa có thể nặng đến 12kg. Khi cá đạt ở độ cân nặng này thì thịt ngon hơn cả cá bông lau sông Tiền, sông Hậu. Hiện, giá cá dứa thương phẩm (trọng lượng từ 1kg trở lên) giá 150.000 đồng/kg, cao gấp 6 lần so với cá tra.

Ông Thi phát triển thêm 4 bè cá đặc sản

Riêng cá sát chuyên dùng để nấu canh chua, kho tiêu, kho lạt, giá rất đắt. Thương lái đến thu mua với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg (kích cỡ 10 con/kg). Ông Thi bày tỏ: “Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19, các nhà hàng, quán ăn mở cửa, phục vụ trở lại, các loại cá trên được tiêu thụ rất mạnh, giá cả lúc nào cũng ở mức cao. Từ đó, người nuôi có thêm lợi nhuận”.

Chăm chút nghề nuôi

Ông Thi nuôi cá dứa, cá sát từ năm 2020. Năm ấy, nhờ quen biết với nhiều người bạn trong nghề, họ giới thiệu về 2 loại cá này. Ban đầu, ông đóng 2 bè, mỗi bè có diện tích 144m2, trị giá khoảng 150 triệu đồng. Khi bè đóng xong, ông tìm mua cá giống của các trang trại gần nhà, thả hơn 100.000 con. Giống thả vào bè lúc ấy là loại 200 con/kg, chi phí ban đầu 35 triệu đồng. Do là cá da trơn, thức ăn của chúng cũng giống như cá tra. Khi cá còn nhỏ cho ăn thức ăn có độ đạm cao, cá lớn giảm dần độ đạm.

Lứa cá đầu tiên, ông bán cho thương lái, giá 110.000 đồng/kg. Năm đó, 2 bè cá của ông mang về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế này, ông tiếp tục nghiên cứu, đầu tư mở rộng. Giờ ông đã có 4 bè, mỗi vụ thu hoạch trên 50 tấn cá. Chịu khó tìm tòi, nghiên cứu đối tượng nuôi phù hợp với thị trường, ông Thi là một trong những nông dân rất năng động. Ngoài chọn đối tượng nuôi phù hợp, ông và cộng sự còn nghiên cứu cách nuôi hiệu quả, như nuôi ghép nhiều loại cá đặc sản trong cùng 1 bè (cá dứa, cá sát, cá ét, mè hôi).

Theo đó, bè nuôi có 2 lớp lưới, lớp lưới thứ 1 nuôi cá dứa, cá sát. Lớp lưới thứ 2 thả cá ét, cá mè hôi, ăn rong trên màng lưới, vì vậy chúng tự vệ sinh rong rêu bè, giúp cá sát, cá dứa có không gian thông thoáng. Cá ét, cá mè hôi cũng là loài cá mang giá trị kinh tế cao. Nếu trọng lượng mỗi con trên 2kg, thương lái tìm đến mua tại bè giá 160.000 đồng/kg.

Dịch bệnh COVID-19 xảy ra trong 2 năm, nhiều hộ dân lâm cảnh khó khăn khi đứt gãy tiêu thụ sản phẩm. Riêng ông Thi, do nuôi các loài cá đặc sản nên tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng. Không chọn con đường làm giàu một mình, ông mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, thị trường nuôi cho bà con xung quanh, với mong muốn tất cả cùng phát triển. Từ 2 lồng bè nuôi cá dứa, cá sát ban đầu của ông, nay ở khu vực xã Bình Hòa có thêm nhiều bè nuôi tương tự. Cùng nhau làm giàu bằng cá đặc sản trở thành phong trào ở địa phương, góp phần đẩy lùi nghèo khó ở khu vực nông thôn.

MINH HIỂN - HÀO NAM