Những năm tháng gian khổ
“50 năm trước, tại nơi đây, tôi cùng các đồng đội trải qua 128 ngày đêm, chiến đấu đầy gian khổ, thiếu thốn trăm bề và thử thách ghê gớm. Giữa sự sống và cái chết chỉ kề nhau trong gang tấc nhưng anh em vẫn một lòng đánh giặc, không hề lùi bước. Hễ còn giặc Mỹ là phải đánh cho đến cùng để giành lại độc lập, tự do”. Đó như một lời khẳng định, sự quyết tâm chiến đấu giành độc lập của nguyên đại tá Lê Thành Cư (hay còn gọi là chú Hai Cư) - một trong những người chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp tham gia các trận đánh lớn tại chiến trường “Bảy Núi” trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kể cho chúng tôi nghe về một thời chiến đấu giữ gìn từng tấc đất, chú Hai Cư cho biết, vào những thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, tại đồi Tức Dụp, trung bình mỗi ngày đêm diễn ra hàng chục trận đánh lớn nhỏ. Trong 128 ngày đêm, địch đã hủy diệt tất cả màu xanh và mầm sống trên ngọn núi bằng chất độc hóa học và nhiều loại vũ khí tối tân như: pháo đài bay B52, máy bay thả bom bi, bom xăng, bom tấn và các pháo đủ loại với ý đồ biến Tức Dụp thành đất chết. Trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ, anh em chia nhau từng chén cơm, viên thuốc. Nhiều thương binh phải dùng nước dừa thay nước biển, mật ong để trị liệu trước khi chuyển về quân y.
“Không có gạo, anh em dùng rau, cháo thay cơm. Thiếu cháo, thiếu khoai, anh em đào rễ chanh nhai cho đỡ dạ. Có khi bắt được từng con cua, con ốc, ếch, nhái, chim, chuột… để ăn. Nhiều lúc anh em mò xuống giếng sâu, múc từng bọc ny-lon nước mang lên. Địch có vũ khí hiện đại, ta có trí thông minh, lòng dũng cảm và ý chí sắt đá. Địch sử dụng bom xăng, ta dùng bao bố, manh đệm nhúng nước che lên đầu để chiến đấu. Sau những trận càn quét, ta trồng lại khoai mì để có lương thực nuôi quân” - chú Hai Cư nhớ lại.
Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thành Cư (ngồi giữa) cùng đồng đội trong ngày trở lại chiến trường xưa
Giữ vững mặt trận lòng dân
Chiến thắng đồi Tức Dụp thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang, Huyện ủy và Huyện đội Tri Tôn trong quyết tâm đánh bại địch bình định lấn chiếm. Cuộc chiến đấu 128 ngày đêm ở đồi Tức Dụp cho thấy, trong xây dựng và bảo vệ căn cứ phải kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố địa hình và thế trận lòng dân, lấy “căn cứ lòng dân” làm nền tảng. Không có sự cưu mang, đùm bọc của nhân dân sẽ không giành được chiến thắng.
“Ban ngày đánh giặc, ban đêm anh em tìm cách vượt qua vòng rào để gom từng thúng gạo, rổ khoai, gói thuốc do bà con tiếp tế. Cảm động nhất là những lúc bị địch bao vây ráo riết, bà con giấu gạo hoặc cơm dưới đáy thúng, bên ngoài ngụy trang bằng một lớp phân bò. Có chị em còn dùng khăn mùi xoa vắt cơm, gửi vô cho chiến sĩ ăn. Trong những lúc địch bình định gắt gao, đồng bào và sư sãi đồng bào dân tộc Khmer tại các ngôi chùa ở vùng Bảy Núi đã đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, nuôi dưỡng thương binh, quyên góp, dự trữ lúa gạo để lực lượng vũ trang “ăn no, đánh thắng” - chú Hai Cư chia sẻ .
Nhờ giữ vững được mặt trận lòng dân, cùng sự chỉ đạo tài tình của Đảng, cũng như các cấp ủy. Thêm vào đó là sự thông minh, gan dạ của các chiến sĩ… sau 128 ngày đêm, chú Hai Cư đã cùng với 200 đồng chí chiến đấu với cuộc hành quân của hơn 18.000 quân địch, chống chịu hàng chục ngàn quả bom, pháo ròng rã suốt 128 ngày đêm. Kết quả đã loại khỏi vòng chiến trên 4.700 tên địch, bắn hạ 11 xe tăng, 2 máy bay phản lực, 4 trực thăng, thu hàng ngàn súng ống các loại...
Giờ đây, khi nhớ về những năm tháng ác liệt cả cuộc chiến 128 ngày đêm trên đồi Tức Dụp, chú Hai Cư ngậm ngùi: “Tôi may mắn hơn các đồng đội của mình khi còn được đứng đây nhìn thấy quê hương đổi mới từng ngày. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, các bạn được sống trong hòa bình, đó là thứ hạnh phúc vô bờ bến. Thứ hạnh phúc có được do xương máu của bao thế hệ cha ông đấu tranh giành lấy. Các bạn phải ra sức học tập, lao động làm giàu cho đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
Tuy đã gần 90 tuổi nhưng chú Hai Cư vẫn giữ được tính cách, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia các công việc như cố vấn cho chính quyền địa phương hay giúp đỡ bà con quanh vùng. Ông còn tham gia các hoạt động du khảo về nguồn của thanh niên trong và ngoài tỉnh khi về với khu căn cứ kháng chiến đồi Tức Dụp để giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ không quên cội nguồn của dân tộc.
ĐỨC TOÀN