Phối hợp phát triển nông nghiệp
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Lưu Đức Vũ cho biết, hàng năm, ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương, hội nông dân các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng nông dân đến sản xuất lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao.
Trong đó, thế mạnh xuất lúa giống trên địa bàn huyện Tri Tôn được phát huy. Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa giống đẩy mạnh liên kết với những nông dân có kỹ thuật sản xuất giỏi, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) có năng lực tốt với diện tích 2.645,4ha, sản xuất các giống OM18, OM5451 và một số giống khác. Nông dân, HTX còn thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa thương phẩm với trên 10 cơ sở, DN, nâng tổng diện tích liên kết của huyện năm 2022 lên 10.575,2ha.
Nông dân huyện Tri Tôn thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi
Nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn còn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả 661ha (rau dưa 505ha; cây màu 83,5ha; cây ăn trái 72,5ha); thực hiện chuyển đổi kết hợp với ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới và liên kết đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân cải thiện thu nhập đáng kể, tăng giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 lần trên cùng diện tích.
Trong số 23 HTX hiện đang hoạt động trên địa bàn huyện Tri Tôn, có 15 HTX chuyên sản xuất lúa thương phẩm và lúa giống có liên kết với các DN, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (10 HTX liên kết trên 5.000ha), Công ty TNHH Tân Thành, Công ty Ngọc Chín Sơn… Các HTX còn lại chuyên sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái, đan đát lục bình, chăn nuôi, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp khác.
Với diện tích nông nghiệp lớn, các HTX và nông dân Tri Tôn đẩy mạnh ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, như: 356 máy gặt đập liên hợp (Kubota, Yanmar…), 5 máy cấy, 316 máy cày, 8 máy cuộn rơm, 53 phun máy bay không người lái (Drone), đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt trên 97%. Ngành nông nghiệp còn thực hiện 7 mô hình trình diễn trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, cơ giới và thủy sản; các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)…
Tập hợp nông dân cùng vươn lên
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, huyện đang nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh và các chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện phát triển ổn định, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhanh và khá đồng bộ, nhiều DN lớn đến đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, du lịch phát triển nhanh, thu hút nhiều khách đến tham quan; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ hội nông dân từ huyện đến xã và lực lượng hội viên nông dân toàn huyện.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục khẳng định “nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến là nền tảng cho phát triển” và phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình trên địa bàn huyện Tri Tôn đạt gần 62,22 triệu đồng.
Ông Cao Quang Liêm đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp trong huyện cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến đông đảo hội viên và nông dân; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hội nông dân từ huyện đến cơ sở cần làm tốt nhiệm vụ tập hợp nông dân, tổ chức các mô hình kinh tế hợp tác, như” HTX, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và câu lạc bộ nông dân; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phải xây dựng ý thức tổ chức sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, làm nông nghiệp phải đủ sống và làm giàu.
Thời gian tới, việc xây dựng các hồ chứa nước như Lê trì, Cô Tô, sẽ đảm bảo điều kiện để chuyển dịch cơ cấu cây trồng vùng núi, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế rừng, vườn sinh thái, phát triển du lịch. Do vậy, Hội Nông dân huyện phải phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng và các ngành có liên quan xây dựng các mô hình, các hoạt động thực chất, hiệu quả, chăm lo tốt hơn đời sống nông dân.
Hội Nông dân tham gia tích cực, chủ động thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nông dân Tri Tôn có những sản phẩm đặc thù, riêng có, xây dựng các mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. “Hội Nông dân huyện phải là trung tâm và nòng cốt trong xây dựng NTM, NTM nâng cao - phải làm rõ NTM là sự nghiệp toàn dân, hội viên nông dân là chủ thể, là lực lượng thực hiện và là người thụ hưởng. Nông dân phải liên kết lại đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu cho nền sản xuất lớn, cạnh tranh mạnh”- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm lưu ý.
NGÔ CHUẨN