Sản xuất cây giống trong nhà màng
Hàng trăm nông dân huyện Chợ Mới áp dụng mô hình xây dựng nhà màng ươm cây giống, cho hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với cách làm thủ công. Kỹ thuật tiên tiến này giúp người trồng màu giảm bớt công lao động, giảm chi phí đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thuận lợi hơn trong khâu liên kết với doanh nghiệp, từng bước tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam tham quan mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao
Hay cơ sở ươm cây giống Út Nay của ông Lưu Văn Nhanh (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) với 12.000m2 đầu tư hệ thống nhà màng hiện đại, hệ thống tưới tự động, ứng dụng cơ giới hóa... góp phần giảm hao hụt cây con, giảm 30-50% công lao động và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi tháng, cơ sở của ông Nhanh cung ứng 10-15 triệu cây giống ra thị trường trong, ngoài tỉnh và sang Campuchia… Ông Nhanh cho biết, đầu tư gần 1,5 tỷ đồng/4.000m2 diện tích cho doanh thu 250-300 triệu đồng/1.000m2/năm.
Phun thuốc bằng máy bay không người lái
Phun thuốc cho lúa bằng máy bay không người lái của Tập đoàn Lộc Trời
Thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật trên không (drone) cho cây lúa đã xuất hiện tại cánh đồng của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Thoại Sơn) thuộc Tập đoàn Lộc Trời. Thiết bị này giúp tăng năng suất lao động từ 15-30 lần, giảm giá thành sản xuất, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích, giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phun xịt thông thường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn bảo vệ sức khỏe người nông dân, giữ gìn nguồn tài nguyên nước, gia tăng lợi nhuận sản xuất. Đó cũng chính là nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn tiên phong của Lộc Trời trong ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ tiên tiến, hướng tới hiệu quả, nền móng để nâng cao vị thế và chất lượng cuộc sống nông dân, xây dựng những vùng nông thôn đáng sống”.
Trồng rau không cần đất, tưới tự động
Nhiều cánh đồng đã thành những mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại. Tại vùng chuyên canh màu Kiến An (Chợ Mới), nông dân đầu tư hệ thống tưới tự động, tưới phun sương cho rau màu, chỉ cần ấn nút, bấm điện thoại là mảnh ruộng rau màu được “tắm mát”.
Nhiều cánh đồng sản xuất mọc lên các nhà lưới, nhà màng, nhà kín trồng rau màu, hoa quả sạch... theo hướng những “Cánh đồng công nghệ cao”. Ước mong làm nông nghiệp sạch nung nấu khát vọng của anh Trần Võ Nhật Trường (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn).
Anh Trường đã mạnh dạn đầu tư 800 triệu đồng xây dựng vườn rau thủy canh 1.000m2 trồng giống ngoại nhập theo công nghệ Israel cho năng suất 1,5 tấn/vụ (giá 36.000- 45.000 đồng/kg), bán cho chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Anh Trần Võ Nhật Trường trồng rau thủy canh giống ngoại nhập
Chị Ngô Thị Thanh Nhàn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) đã bỏ ra 500 triệu đồng xây dựng nhà màng với hệ thống giàn thủy canh, tưới nước tự động. Chị Nhàn cho biết: “Với 1.500m2 rau thủy canh các loại, mỗi tháng cơ sở cung ứng 1-2 tấn rau, trừ các khoản chi phí đạt lợi nhuận gần 20 triệu đồng/vụ”.
Tham quan mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao của chị Nhàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao sự năng động của nông dân trong thời kỳ hội nhập.
Trồng dưa lưới kết hợp du lịch
Tâm huyết vì nền nông nghiệp công nghệ cao, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại-Dịch vụ Phan Nam đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư nông trại trồng dưa lưới, cà chua bi trong nhà màng, kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel.
Chị Trinh cho biết: “Hiện, 12 nhà màng và nhà lưới rộng hơn 6.000m2 trồng các loại cây có giá trị cao như: dưa lưới, cà trái cây, dâu tây... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, 3 sản phẩm (dưa lưới, cà chua bi và ổi) của nông trại được chứng nhận VietGAP, chứng nhận nhãn hiệu An Giang. Ngoài sản xuất sản phẩm sạch cung cấp cho các cửa hàng nông sản an toàn, nông trại còn phục vụ du lịch canh nông”.
Thu hoạch cà chua bi tại Nông trại Phan Nam
Nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) đầu tư nhà màng trồng dưa lưới, dưa lê và cà chua cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Phong cho biết: “Tôi còn cải tạo vườn cây ăn trái, kết hợp trồng các loại hoa kiểng, thu hút khá đông du khách đến đây tham quan”.
Mới đây, tại TP. Long Xuyên, du khách ngỡ ngàng trước vườn dưa lưới Inthanon RZ thủy canh rộng hơn 576m2 cho trái dày đặc, vàng lủng lẳng... của anh Nguyễn Thanh Long. Khách đến tham quan rất đông và thích thú tự tay hái dưa đem về với giá 60.000 đồng/kg.
Hình thành lực lượng nông dân năng động
Những diện tích lúa kém hiệu quả nhường chỗ cho cây màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tại huyện Chợ Mới, nông dân đã hình thành vườn chuyên canh cây ăn trái trên 6.500ha. Gần 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, xuất khẩu vào thị trường Úc, Hàn Quốc.
Nông dân ứng dụng công nghệ thông minh trong việc tưới nước cho vườn cây ăn trái. Vùng chuyên canh xoài còn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Từ khi chuyển dịch làm kinh tế vườn sang trồng xoài 3 màu, Chợ Mới xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú nông dân.
Mô hình trồng cây tía tô lấy lá xuất khẩu ở huyện Chợ Mới hứa hẹn nhiều triển vọng cho nông dân xứ này khi doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng thu mua. Nông dân trồng đạt năng suất 12 tấn lá/ha, xuất khẩu sang Hàn Quốc, đạt lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/công/vụ.
Trồng cây lá tía tô xuất khẩu
Bắt đất phèn đẻ ra vàng, nông dân Nguyễn Thanh Tâm (xã Tà Đảnh, Tri Tôn) cải tạo 50ha lúa trên vùng đất phèn thành vườn cam, sử dụng hệ thống tưới tự động, năng suất khoảng 5 tấn trái/công/năm, mang về thu nhập từ 50-70 triệu đồng/công.
Ông Tâm còn đầu tư nhà nuôi yến, trồng xen bưởi năm roi, chanh không hạt cho thu nhập khá cao. Vẫn còn những mô hình làm nông thời hiện đại của nông dân thời công nghệ.
HẠNH CHÂU