Lăng Sương - Nơi đất thiêng sinh thánh

22/09/2023 - 13:51

Dải đất Thanh Thủy uốn quanh theo dòng sông Đà, đối diện là dãy Ba Vì tạo thế “tựa sơn đạp thủy” với nhiều tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, con người cũng như các giá trị về văn hóa, lịch sử. Nơi đây nổi tiếng với ngôi đền cổ- đền Lăng Sương- khu 6, xã Đồng Trung, đây chính là nơi đã sinh ra Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh)- người đứng đầu “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt - ngài cũng là con rể tài ba của Vua Hùng thứ 18.

Toàn cảnh Đền Lăng Sương.

Vùng đất sinh thánh

Nằm cách thành phố Việt Trì khoảng gần 50km, Đền Lăng Sương hiện hữu trong mái ngói thâm nâu, vững chãi theo thời gian. Với sự giàu có về giá trị kiến trúc và ý nghĩa lịch sử, Đền Lăng Sương khiến cho mỗi du khách đều trầm trồ, thích thú mỗi khi có dịp về thăm quan, trải nghiệm, đặc biệt là khi được các cụ cao niên trong làng kể về huyền tích hạ sinh Đức Thánh. Theo ghi chép trong cuốn Ngọc phả được soạn vào năm 1011, tại động Lăng Sương có vợ chồng ông Nguyễn Cao Hành và bà Thái Vỹ (tên húy là Đinh Thị Đen) sinh sống, làm nhiều việc tốt nhưng tuổi đã cao mà chưa có con. Một hôm, có con Rồng vàng sà xuống giếng hút nước, phun châu nhả ngọc. Bà Đen ra giếng gánh nước về ngồi trên tảng đá tắm gội như thường lệ, tự nhiên thấy cơ thể thơm tho. Sau đó, bà mang thai 14 tháng, sinh ra người con trai, tướng mạo khôi ngô tuấn tú đặt tên là Nguyễn Tuấn, chính là Thánh Tản Viên Sơn, sau này có nhiều công lao với nhân dân, đất nước.

Khi Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì mồ côi cha rồi theo mẹ về vùng xóm Cốc núi Tản Viên sinh sống. Tại đây, Nguyễn Tuấn được thần cai quản núi Tản là Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi. Sau ba năm, hai mẹ con Nguyễn Tuấn quay trở lại sống tại động Lăng Sương (di tích đền Lăng Sương ngày nay)- nơi ngăn cách với núi Tản bởi dòng sông Đà uốn lượn. Nguyễn Tuấn lớn lên ngày ngày vượt sông Đà sang núi Tản để đốn củi phụ mẹ. Kỳ lạ thay, mỗi lần Nguyễn Tuấn đốn củi xong, đến ngày hôm sau quay lại thì thấy những cây chặt hôm trước lại mọc lên y nguyên. Chàng mới núp kín rồi rình xem có chuyện gì và gặp được ông Tử Vi - thần tướng Bạch Tuyết chính là người đã làm cho các cây gỗ bị chặt mọc lại. Nhìn thấy chàng tiều phu nhỏ tướng mạo khôi ngô tuấn tú, ông liền truyền cho chàng cây gậy đầu sinh đầu tử. Trên đường trở về nhà lúc băng qua sông Đà, Nguyễn Tuấn gặp con trai vua Thủy Tề gặp nạn chết bèn dùng gậy đầu sinh cứu mạng. Để trả ơn, con trai vua Thủy Tề đã tặng chàng sách ước - Bảo vật quý của vua cha. Nhờ cuốn sách này mà Nguyễn Tuấn có nhiều mưu kế biến hóa “văn võ song toàn” và sau này kết duyên với con gái Vua Hùng thứ 18 là Ngọc Hoa công chúa (Mỵ Nương). Chàng vừa là vị tướng dâng kế cùng Vua Hùng gây dựng bảo vệ nước nhà và giúp Vua Hùng hai lần đánh thắng giặc.

Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu tại Đền Lăng Sương vào ngày 25/10 âm lịch hằng năm.

Khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi báu, ông không nhận mà khuyên Vua nhường ngôi cho Thục Phán để nhân dân tránh khỏi binh đao loạn lạc, đánh dấu sự chuyển giao từ nhà nước Văn Lang sang nhà nước Âu Lạc của lịch sử Việt Nam. Cảm kích tấm lòng đó, Thục An Dương Vương đã dựng cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, đồng thời ban chiếu cho lập đền thờ Thánh Tản tại động Lăng Sương. Đức Thánh được người đời truyền là “Tứ bất tử” - Một nhân vật lỗi lạc kết tinh giữa hiện thực lịch sử và truyền thuyết Tản Viên Sơn cũng là huyền tích trong Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh

Là ngôi đền gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước, Đền Lăng Sương không chỉ là ngôi đền cổ kính với các cổ vật được bảo tồn và lưu giữ như Ngọc Triện, Ngọc Phả mà các di vật về hòn Đá Quỳ, giếng Thiên Thanh, hòn đá nén bụng, âu nước tắm, Miếu Hai cô… đã trở thành điểm nhấn linh thiêng riêng của Đền Lăng Sương. Hiện nay, hòn Đá quỳ hay còn gọi là phiến đá xanh vẫn còn in hình 2 bàn chân, bàn tay phải, đầu gối phải của Mẫu Đinh Thị Đen quỳ khi lên cơn đau sinh ra Thánh Tản Viên Sơn sau 14 tháng mang thai. Đặc biệt Giếng Thiên Thanh- nơi mà Mẫu lấy nước tắm cho Thánh Tản khi còn nhỏ tuy chỉ sâu 3m nhưng dù mùa nước hay mùa khô, giếng vẫn trong và đầy nước dù các giếng xung quanh cạn nước. Sự huyền bí, linh thiêng đó càng thu hút sự tò mò, hấp dẫn với du khách thập phương. Điểm nhấn đặc biệt của Đền Lăng Sương là Giếng Thiên Thanh nơi có phiến Đá quỳ ngay cạnh. Cùng với đó là các di vật hiện nay vẫn được bảo tồn, lưu giữ là những điểm nhấn quan trọng hấp dẫn du khách đến tham quan và tìm hiểu lịch sử. Đền Lăng Sương hiện nay thờ bảy nhân thần gồm: Đức Thánh Mẫu, cố phụ Nguyễn Cao Hành, dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn, Tản viên Sơn Thánh, Ngọc Hoa công chúa- vợ Tản Viên cùng quan văn Cao Sơn và quan võ Quý Minh. Đây cũng là ngôi đền duy nhất trong cả nước hiện nay thờ gốc và thờ cả gia đình Tản Viên Sơn Thánh.

Trình diễn nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Mường tại lễ hội Đền Lăng Sương.

Di tích lịch sử Đền Lăng Sương đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 25/2005/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 12 tháng 7 năm 2005. Hiện nay, Đền Lăng Sương đã được tu bổ khang trang, khuôn viên rộng rãi nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng cũng như nét cổ kính, cơ bản đáp ứng nhu cầu tâm linh ngày càng cao của nhân dân. Hằng năm, đền Lăng Sương tổ chức hai ngày hội chính vào ngày 15 tháng Giêng (ngày sinh Thánh Tản Viên) và ngày 25 tháng 10 (ngày Thánh Mẫu về trời). Đồng chí Hà Ngọc Viên - Chủ tịch UBND xã Đồng Trung khẳng định: "Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ con cháu, tri ân công đức các bậc thánh nhân, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong hành trình du lịch về với cội nguồn dân tộc. Du khách gần xa về tham dự lễ hội không chỉ để cầu tài, cầu lộc, cầu may mắn mà còn được tìm hiểu thêm về lịch sử của dân tộc".

Về với Phú Thọ, nếu du khách chỉ đến với Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ mà chưa dâng hương tại Đền Lăng Sương thì chưa thể coi là đã hoàn tất chuyến hành hương về Đất Tổ. Đây cũng là nơi để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân quý những giá trị của lịch sử, sự hy sinh của các bậc thánh nhân để chúng ta có cuộc sống yên bình no ấm, đủ đầy, hạnh phúc.

Theo ANH THƠ (Báo Phú Thọ)