Liên kết tiêu thụ sản phẩm

28/05/2020 - 05:25

Năm 2020, tỉnh An Giang đặt mục tiêu thực hiện liên kết tiêu thụ với diện tích 80.000ha, có khoảng 30 doanh nghiệp (DN) tham gia. Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và thủy sản.

Vùng nguyên liệu cá tra liên kết

Còn nhiều khó khăn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, giai đoạn 2016-2018, diện tích sản xuất lúa có hợp đồng liên kết với DN đạt từ 30.333-43.210ha, chiếm khoảng 4,83-6,46% diện tích sản xuất lúa của tỉnh. Diện tích còn lại được tiêu thụ chủ yếu qua thương lái, qua trao đổi giữa nông dân với nông dân.

Năm 2019, liên kết sản xuất và tiêu thụ giảm, chỉ đạt diện tích 31.190ha, chiếm khoảng 5% diện tích gieo trồng cả tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN thực hiện rất tốt nhiều năm liền như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Gentraco.

Đối với xoài, tổng diện tích cho trái đến nay khoảng 8.000ha, ước sản lượng khoảng 99.500 tấn/năm. Năm 2019, đã gắn kết với DN tiêu thụ được 156 tấn xoài, trong đó có 14,4 tấn xoài được xuất đi các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng. Đối với cá tra, diện tích mặt nước nuôi cá của An Giang đạt 1.226ha.

Trong đó, diện tích vùng nuôi của các DN là 832ha (chiếm 68% diện tích), diện tích hộ nuôi có liên kết 185ha (chiếm 15%), còn lại là hộ cá thể 209ha (chiếm 17%). Các DN nuôi liên kết điển hình là: Sao Mai, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Agifish, Biển Đông, CP, Việt Thắng, Hiệp Thanh.

Đa phần các hộ nuôi cá tra có liên kết đều canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đối với ngành chăn nuôi, đã hình thành các trại heo thịt, gà thịt nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản An Giang (Afiex), Việt Thắng...

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tuy đã bước đầu hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nhưng diện tích còn hạn chế. Nguyên nhân do nhiều nông dân chưa thật tin tưởng; quy mô sản xuất nhỏ lẻ; DN chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu…

Nỗ lực tăng diện tích liên kết

Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản với diện tích 80.000ha, có khoảng 30 DN có kế hoạch thực hiện, gồm: vụ đông xuân 2019-2020 là 35.000ha, hè thu 2020 là 20.000ha và vụ thu đông 2020 là 25.000ha. Đối với các DN kinh doanh, chế biến thủy sản và trái cây, duy trì sản lượng thu mua thông qua hợp đồng ổn định khoảng 200 tấn xoài và 20% diện tích nuôi cá tra thương phẩm.

Ông Lâm cho biết, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tác nhân tham gia chuỗi là khâu đầu tiên và quyết định sự thành công, bền vững của chuỗi liên kết nông sản. Do đó, hoạt động tuyên truyền về mục tiêu, sự cần thiết và lợi ích của việc liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tiếp tục được thực hiện sâu rộng, nhất là nguyên tắc “3 cùng” (cùng tin, cùng làm, cùng chia sẻ) để các chuỗi liên kết giá trị hài hòa về lợi ích giữa các bên tham gia, giúp mối liên kết bền vững và có hiệu quả lâu dài.

Tỉnh sẽ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và thủy sản (Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22-7-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang).

Khi các bên cùng nhau liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (DN và hợp tác xã), ngành chuyên môn hướng dẫn các bên tham khảo và thực hiện theo Quyết định số 2333/QĐ-UBND, ngày 18-8-2016 về việc ban hành hợp đồng mẫu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

An Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia chuỗi giá trị có hiệu quả và bền vững hơn, đồng thời bổ sung các đối tượng cây trồng, vật nuôi có thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ vào danh mục hỗ trợ để khuyến khích phát triển.

Bên cạnh đó, thực hiện thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết nông nghiệp; khuyến khích DN tham gia thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, xây dựng những hợp tác xã này trở thành điển hình trong việc gắn kết với DN tiêu thụ nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để ổn định và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản…

NGÔ CHUẨN

Các DN đã thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ trong các năm qua trên địa bàn An Giang là: Angimex-Kitoku, Lộc Trời, Tấn Vương, Antesco, Chánh Thu, Sao Mai, Vĩnh Hoàn. Ngoài ra, còn có các DN đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư lâu dài tại địa phương như: Sunrice, Tân Long, TH, Tiran, FLC, Việt Úc, Nam Việt Bình Phú, Trung Thạnh, Vương Đình, Ngọc Quang Phát, Nam Thắng...