Liên kết tiêu thụ trong nông nghiệp

18/12/2023 - 05:32

 - Thực tế cho thấy, liên kết trong sản xuất nông nghiệp giúp đảm bảo đầu ra nông sản, nông dân có lợi nhuận ổn định, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, nâng cao giá trị gia tăng, tạo bước phát triển nhanh, bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân thường xuyên thăm đồng để đảm bảo cây lúa phát triển tốt

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh định hướng trồng trọt theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, công tác liên kết tiêu thụ đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao giá trị sản phẩm.

Tại huyện Châu Phú, ngành nông nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty Đồng Phát... Ngành nông nghiệp còn kết nối thông tin với doanh nghiệp (DN), thương lái để tiêu thụ hết sản lượng lúa, nếp cho nông dân.

Ngoài tập trung xây dựng vùng nguyên liệu rau màu tại các vùng trọng điểm, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh liên kết, mời gọi các công ty, DN, thương lái, cửa hàng rau an toàn gắn kết, đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như: Công ty TNHH XNK Thương mại - dịch vụ Vina T&T, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Lefarm, Tập đoàn Nafoods, Công ty Cổ phần Lavifood, Công ty TNHH Thương mại XNK Phước Phúc Vinh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp G.E.M, Siêu thị Tứ Sơn, Siêu thị Co.opmart...

Ngành nông nghiệp huyện Châu Phú kết hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Viettel An Giang, Bưu điện huyện Châu Phú... đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng cho hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, thành lập mới và củng cố các HTX, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp làm vườn để làm đầu mối trong liên kết sản xuất và tiêu thụ; chủ động trong việc tìm kiếm và kết nối với DN phù hợp với năng lực sản xuất để kết nối làm ăn lâu dài, bền vững; nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn An Giang, năm 2024, có khoảng 30 DN có kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh với diện tích 430.989ha lúa, nếp; 8 DN lớn có kế hoạch liên kết và tiêu thụ 40.721,4ha rau màu các loại; 14 DN có nhu cầu liên kết và tiêu thụ 25.500ha cây ăn trái các loại (xoài, mít, cây có múi, nhãn và chuối), sản lượng khoảng 140.000 tấn.

Để tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh doanh, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh và Quyết định 14/2023/QĐ-UBND, ngày 5/4/2023 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 30/2019/QĐ-UBND.

Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các DN nhanh chóng triển khai nội dung theo thỏa thuận hợp tác đã ký với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTNT) đúng thời gian và quy mô thỏa thuận. Các công ty, DN đã tham gia khảo sát và làm việc về nhu cầu vùng nguyên liệu nông sản, nhanh chóng triển khai văn bản thỏa thuận hợp tác hoặc xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ. Các công ty, DN xây dựng vùng nguyên liệu, vùng liên kết năm 2023 chủ động tăng diện tích triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt phù hợp, đáp ứng với diện tích xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024.

Để triển khai hợp đồng liên kết hiệu quả và đạt kế hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các công ty, DN tham gia hợp đồng liên kết cải thiện các nội dung, như: Thanh toán nhanh tiền mua lúa cho nông dân, có chính sách chi hoa hồng cụ thể cho HTX, tuân thủ thời gian thu hoạch đúng theo biên bản chốt giá...

Các địa phương cần chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng theo kế hoạch lịch thời vụ, nhất là phần diện tích xuống giống của các công ty, DN đã có kế hoạch triển khai cụ thể tại các vùng nguyên liệu. Phối hợp các sở, ngành tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả vào các vùng liên kết, vùng nguyên liệu.

Phòng Kinh tế thành phố, thị xã, Phòng NN&PTTNT các huyện chủ động phối hợp các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTTNT, thực hiện tuyên truyền hệ thống văn bản pháp lý và chính sách hợp đồng liên kết theo hướng khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến HTX và nông dân nhằm ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

TRỌNG TÍN