Cây mộc hương còn có tên gọi khác là quế hoa, tên khoa học là Osmanthus fragrans, thuộc họ thường vi. Mộc hương là cây bản địa của châu Á, xuất hiện nhiều ở Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, mộc hương được trồng tại nhiều quốc gia thuộc châu Âu, Bắc Mỹ và có cả Việt Nam. Ở nước ta, cây mộc hương phân bố ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ở Việt Nam, mộc hương là loại cây cảnh quý, từng là sản vật tiến vua. Mộc hương mang những giá trị đặc biệt, cả về vẻ đẹp ngoại hình, hương thơm của hoa và giá trị dược liệu.
Mộc hương sống lâu năm, sinh trưởng chậm (Ảnh: Dân Việt)
Cây mộc hương mang nét thẩm mỹ mộc mạc, xưa cũ nên được nhiều người ưa thích. Đây là loại cây thân gỗ nhỏ, thường mọc hoang hoặc trồng làm hàng rào, chiều cao trung bình từ 3-10m.
Các cành mộc hương mọc nhiều và tỏa ra xung quanh khá đẹp. Lá mộc hương dài từ 7-15cm với chiều rộng khoảng 2,6-5cm. Lá cây có hình hơi bầu, màu xanh thẫm, xuất hiện các đường gân rõ rệt và có các đường gân lớn cùng các răng cưa ở mép lá.
Mộc hương sống lâu năm, sinh trưởng chậm, có thể lên đến cả trăm năm. Việc sở hữu những cây mộc hương có tuổi đời hàng trăm năm với thân, tán chuẩn luôn là niềm tự hào của những người mê cây cảnh.
Hoa mộc hương có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, vàng nhạt, vàng sẫm,… mọc thành chùm tại các kẽ lá. Ở Việt Nam, mọi người chủ yếu trồng mộc hoa trắng. Mỗi bông hoa mộc hương thường có 4 cánh đối xứng và đều nhau. Mộc hương là loại cây có hoa quanh năm nhưng vào mùa thu thì hoa nở nhiều và đẹp nhất.
Hoa của cây mộc hương (Ảnh: Dân Trí)
Hoa mộc hương có mùi thơm đặc biệt. Mùi hương của hoa khá mạnh, quyến rũ nên đã khiến không ít người đam mê.
Cây rất dễ tạo hình và có tuổi thọ cao nên rất được ưa chuộng để trồng tại những căn biệt thự hoặc tại các khu vườn, công viên đẹp.
Ngoài tác dụng làm cảnh thì cây mộc hương còn được dùng để làm thuốc. Các bộ phận của cây mộc hương có rất nhiều tác dụng chữa bệnh.
Nhiều tài liệu đông y cho thấy loại cây này có dược tính cao. Đơn cử, hoa mộc hương có mùi thơm, thường dùng pha trà uống, có tác dụng chữa đau bụng hoặc dùng để dưỡng tóc; rễ mộc hương dùng để trị bệnh nhức mỏi gần xương, đau răng, chữa phong tê thấp, thận hư; quả mộc hương được dùng làm thuốc trị đau dạ dày, đau gan, thận do lạnh; thân hoa mộc hương nấu lấy nước uống làm sáng mắt, tăng sắc đẹp,...
Ngoài ra, cây mộc hương được người chơi cây cảnh yêu quý bởi giá trị trường tồn, không khoa trương sặc sỡ mà mang vẻ đẹp trầm tích của thiên nhiên và thời gian.
Với nhiều giá trị về dược liệu, hương liệu, làm cây kiểng, cây mộc hương mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng. Cây mộc hương thường được bán với giá rất cao. Những cây mộc hương "khủng" nhất Việt Nam thuộc hạng hiếm hoi chỉ những người có điều kiện kinh tế và kiên trì tìm kiếm mới có cơ duyên sở hữu.
Cây mộc hương cổ được tìm mua với giá tiền tỷ (Ảnh: Bảo Phương)
Vài năm trước, cây mộc hương từng lên cơn sốt và được lùng mua, thậm chí có người sẵn sàng chi bạc tỷ để sở hữu một cây mộc hương quý.
Năm 2017, một đại gia cây cảnh có tiếng ở Sapa (Lào Cai) từng vác cả bao tải tiền lên mua cây và đổi thêm một chiếc xe ô tô hạng sang nữa để mua 4 cây mộc hương cổ thụ tuổi đời trên 100 năm. Tổng giá trị của 4 cây mộc hương lúc đó lên tới gần 4,5 tỷ đồng.
Chưa kể, trong suốt 3 năm trời, đại gia này mất bao công sức đi đi lại lại mới được chủ nhân của 4 cây mộc hương gật đầu đồng ý bán.
Chơi cây mộc hương cũng không đòi hỏi sự cầu kỳ bởi loại cây này rất dễ sống, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Việc phát triển cây mộc hương không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn giống cây quý này.
Theo HẠNH NGUYÊN (Vietnamnet)