Luật Bảo vệ môi trường phải gắn với trách nhiệm, quyền lợi của người dân

10/01/2020 - 14:34

Ngày 10-1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý khu vực phía Bắc.

Nâng cao trách nhiệm đối với người gây ô nhiễm

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Luật Bảo vệ môi trường được áp dụng từ năm 2014, đến nay mới được hơn 5 năm, dù tuổi đời của bộ Luật không lớn, nhưng trong 5 năm qua, bối cảnh kinh tế - xã hội, hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới đã nhiều thay đổi.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trên toàn cầu nhưng vấn đề môi trường thì vẫn chưa làm được, trong đó chất lượng môi trường nước, không khí ngày càng suy giảm trầm trọng hơn. Khủng hoảng lớn nhất là chưa tìm ra mô hình tồn tại, phát triển một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Mục đích ban đầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy vậy, xét vào thực tế cuộc sống đòi hỏi thì phải sửa đổi toàn diện và phải làm cuộc cách mạng ngay trong suy nghĩ, tư duy của con người. Bảo vệ môi trường đang là trách nhiệm của Nhà nước thì sẽ khó thực hiện mà lần này, Luật Bảo vệ môi trường phải gắn với trách nhiệm, quyền lợi của người dân, là trách nhiệm của toàn dân, nâng cao trách nhiệm của người gây ra ô nhiễm. Luật lần này cần giải quyết những vấn đề mang tính thực tiễn như môi trường đô thị, nông thôn. Nhiều vấn đề không mới nhưng phương thức thực hiện phải mới.

Bộ trưởng cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2014 đưa ra nhiều ý tưởng, chính sách lớn lao nhưng các ý tưởng, chính sách đó chưa có tính toàn diện, chưa có tính hiệu lực, hiệu quả cao. Trong lần sửa đổi này nhiều vấn đề trong Luật là những vấn đề mới. 15 vấn đề về tên gọi thì không mới nhưng nội dung là hoàn toàn mới. Luật sửa đổi này sau khi ban hành phải được triển khai ngay.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhìn thấy được những vấn đề khó, vướng mắc để lấy ý kiến, đưa ra ý tưởng để thảo luận, tìm ra phương án phù hợp nhất. Cách làm luật hiện nay đã có cách tiếp cận khác, cả Bộ và Ủy ban thường vụ Quốc hội cùng chịu trách nhiệm. Dự kiến ban đầu của Chính phủ là trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhưng do hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trình độ về phát triển kinh tế tốt hơn, nhiều luật khác cũng chỉnh sửa nên chuyển sang Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là thích hợp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh giới thiệu quá trình xây dựng dự thảo Luật với việc tham khảo kinh nghiệm của một số nước châu Á, châu Âu, tham vấn ý kiến chuyên gia các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là việc chuyển đổi phương thức quản lý mới về môi trường, trong đó có quản lý chất thải rắn, đảm bảo quản lý thống nhất về môi trường, xã hội hóa bảo vệ môi trường, kiểm soát môi trường. Dự thảo Luật có 17 chương, 176 điều (tăng 6 điều). Trong đó, giữ nguyên 30 điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung trong 47 điều; sửa đổi, bổ sung 78 điều; viết mới 5 điều.

Tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo Tổng cục Môi trường, có 18 điểm chính cần tập trung làm rõ gồm bổ sung quy định về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường; sửa đổi các quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá về tác động môi trường; thay thế 7 loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, đăng ký chủ nguồn thải…về bảo vệ môi trường bằng một loại giấy phép môi trường; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, sự cố ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường, công cụ kinh tế, nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thanh tra, kiểm tra…

Chuyên gia Nguyễn Khắc Kinh nhận xét, các quan điểm, khái niệm, định nghĩa về môi trường, bảo vệ môi trường cần nhất quán, không thể theo kinh nghiệm của nước ngoài một cách máy móc. Nội dung đánh giá tác động môi trường chiến lược không nhất quán với đánh giá tác động môi trường. Đánh giá tác động môi trường chiến lược phải dự báo các tác động tiêu cực, tích cực. Một số điểm cần xem xét như con người cũng là một bộ phận của môi trường, nên tách phân vùng môi trường ra khỏi quy hoạch môi trường, kiểm toán môi trường chủ yếu phải tự kiểm toán; không nên phân biệt trạm quan trắc là của trung ương hay địa phương mà nên thống nhất trong quản lý để đảm bảo chính xác về số liệu và tạo sự liên kết, thông suốt. Vấn đề về đánh giá tác động môi trường cần xem xét kỹ hơn, tránh tạo gánh nặng lên cho doanh nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khải (Khoa Môi trường thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết: Quy hoạch môi trường không nhất thiết phải đưa lại định nghĩa vì trong Luật Quy hoạch đã có. Cần đưa khái niệm về phế liệu. Trong đánh giá tác động môi trường nên đưa thêm vào cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Việc kiểm toán chất thải khi đưa vào Luật sẽ rất khó làm nên trước mắt chỉ nên đưa là kiểm kê nguồn thải trong đó có gắn danh mục các loài nguồn thải phát sinh theo thời gian, thời điểm với mục đích ngăn chặn phát thải ban đầu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga (Vụ trưởng Vụ Quản lý môi trường, Bộ Y tế) đánh giá rất cao việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Mục 6, điều 83 ,84 của Luật cũ giải thích về sức khỏe môi trường rất khó hiểu nhưng Luật sửa đổi đã giải thích rõ. Luật sửa đổi chưa đề cập môi trường không khí trong nhà, tiếng ồn. Luật đưa ra phải có chế tài về bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng vì chưa có cơ quan nào kiểm tra, giám sát.

Tiến sĩ Lê Thị Chinh (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội) góp ý liên quan đến quản lý chất lượng môi trường không khí. Tiến sĩ cho rằng đánh giá sức chịu tải môi trường không khí là điều rất khó khả thi. Nên cần làm rõ những đơn vị chức năng nào được phép quan trắc, chỉ Nhà nước hay cả tư nhân.

Chuyên gia Đỗ Thành Bái đánh giá cao chương về giấy phép. Theo ông, đây là công cụ tốt, hợp nhất các giấy phép con. Việc cấp cho cả một dự án thì cần phải được phân định rõ, mang nhiều yếu tố kỹ thuật, phân biệt giữa cấp phép cho dự án hoạt động và cấp phép cho cụm thiết bị.

Ông Đỗ Thành Bái đề xuất nên đổi khái niệm "sự cố" môi trường thành "rủi ro" môi trường. Ví dụ, sự cố cháy nổ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, lúc đó rủi ro là chính chứ không phải sự cố. Vấn đề kiểm toán chất thải không nên đưa vào Luật mà nên đưa vào kiểm kê chất thải. Việc thẩm tra đánh giá tác động môi trường có thể là một gánh nặng cho cơ quan tư vấn và doanh nghiệp, nên đưa vào phê duyệt kết quả thẩm định.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nhiều nội dung đã được tiếp thu tương đối đầy đủ trong dự thảo Luật sửa đổi. Trong vòng 5 năm mà sửa đổi toàn diện là một thách thức. Các danh mục không thể ổn định lâu dài nên không nên đưa vào Luật. Những vấn đề quốc tế có kinh nghiệm nhưng chưa khả thi ở nước ta thì phải cân nhắc. Tên của Luật là Luật Môi trường thì phạm vi bao quát sẽ rộng hơn.

Theo MINH NGUYỆT ( Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích