Làn da thường chịu sự tác động trực tiếp khi thời tiết thay đổi. Chính vì thế khi đi biển vào mùa hè, chúng ta cần quan tâm đến việc chăm sóc sao cho làn da không bị cháy nắng.
Tác hại khi da bị cháy nắng
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có lợi ích sản sinh vitamin D và tiết ra melatonin nhưng cũng cần phải có biện pháp chống nắng thích hợp để tránh gây tổn hại cho sức khỏe.
Các tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời được biết là có nhiều tác động lên cơ thể, bao gồm lão hóa da, cháy nắng, đồi mồi, nếp nhăn… cũng như các bệnh về mắt và ung thư da.
Lưu ý để da không bị cháy nắng, sạm đen khi đi biển
Lựa chọn kem chống nắng phù hợp
Khi chọn kem chống nắng, hãy tham khảo SPF có tác dụng ngăn chặn tia UVB và PA có tác dụng ngăn chặn tia UVA.
Trong đó, SPF được biểu thị bằng số từ 1 đến 50+ và số càng cao thì hiệu quả ngăn chặn tia UVB càng cao. PA biểu thị cường độ tác dụng bảo vệ tia UVA bằng số dấu + và tối đa là PA++++. Nếu bạn muốn có khả năng chống nắng tối đa, hãy chọn sản phẩm có ghi "SPF50+ PA++++".
Khi ra biển hoặc hồ bơi, nên dùng sản phẩm loại chống thấm nước có khả năng chống mồ hôi và nước.
Kem chống nắng không thể thiếu khi đi biển.
Sử dụng kem chống nắng đúng cách
Nên bôi kem chống nắng lên vùng da tiếp xúc trước 30 phút, đồng thời nên bôi lại bất cứ lúc nào sau khi xuống nước. Nên chú trọng những vùng da dễ bị cháy nắng, như chóp mũi, xương gò má. Hãy chú ý đến những vùng như tai và sau gáy, vì đây là những vùng thường hay bị quên bôi.
Nếu vui chơi ở ngoài nắng lâu, bạn cần thoa lại kem chống nắng sau mỗi hai tiếng để đảm bảo da được bảo vệ kỹ lưỡng trước tác hại của tia UV.
Đội mũ và đeo kính râm
Tóc và da đầu là những bộ phận trên cơ thể tiếp xúc gần nhất với ánh nắng mặt trời, dễ tiếp xúc với tia UV và dễ bị tổn thương. Đội mũ để bảo vệ bạn khỏi tia UV. Tia cực tím cũng có thể làm hỏng mắt, gây viêm và đục thủy tinh thể. Bạn nên đeo kính râm khi chơi ở biển hoặc hồ bơi để bảo vệ mắt.
Dùng kem dưỡng ẩm
Để hạn chế tình trạng da sạm đen, nên thoa kem dưỡng ẩm phục hồi da ngay sau khi tắm. Các nguyên liệu an toàn, lành mạnh, giúp hạn chế da bị cháy nắng là gel lô hội, dưa chuột, sữa chua, bột yến mạch... hoặc sử dụng kem dưỡng da có chứa thành phần B5 giúp cấp ẩm, làm dịu da hiệu quả.
Bảo vệ da trước khi ra biển để tránh tình trạng cháy nắng.
Chăm sóc từ bên trong
Thực phẩm có tác dụng chống cháy nắng hiệu quả là thực phẩm giàu vitamin A, C, E. Các thực phẩm khác chứa nhiều lycopene như cà chua, dưa hấu, xoài cũng có tác dụng ngăn ngừa cháy nắng và giúp bạn phục hồi sau cháy nắng.
Ngoài ra, ngay sau khi bị cháy nắng, hãy nhớ uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể từ trong ra ngoài.
Cách chăm sóc da khi trời nắng nóng
- Thường xuyên rửa mặt: Khi trời nóng, chúng ta nên thường xuyên rửa mặt. Cụ thể, bạn có thể rửa mặt 2 lần mỗi ngày. Việc này không chỉ đem đến cảm giác mát mẻ cho làn da mà còn giúp da sạch sẽ, thông thoáng hơn.
- Dùng kem chống nắng: Bôi kem chống nắng, che chắn và hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng khi trời nóng.
- Chú ý giữ độ ẩm cho da: Khi trời nóng da rất dễ bị mất nước nên để chăm sóc làn da không bị xấu đi khi trời nóng chúng ta cần chú ý đến việc giữ độ ẩm. Để làm được việc này, chúng ta chỉ cần uống đủ nước, bổ sung nhiều loại trái cây mọng nước vào chế độ ăn hằng ngày.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cấp nước cho da thông qua việc đắp mặt nạ dưỡng ẩm vào buổi tối.
- Tẩy da chết định kỳ: Một việc nữa chúng ta nên làm để chăm sóc da không bị xấu đi khi trời nóng, đó là tẩy da chết khoảng 1-2 lần mỗi tuần.
Việc tẩy da chết sẽ giúp lấy đi lớp tế bào khô và bụi bẩn tích tụ trên da, giúp da mềm mại, thông thoáng hơn. Nhờ đó, làn da sẽ được trẻ hóa, trở nên khỏe mạnh hơn.
Theo THANH NGỌC (VTC News)