Mô hình trồng mít Thái hiệu quả

17/05/2021 - 06:15

 - Anh Lê Văn Đức (sinh năm 1989, quê quán huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) từ lâu có niềm đam mê lớn đối với nông nghiệp. Từ 10ha đất ruộng kém hiệu quả của gia đình ở xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), anh Đức đã chuyển đổi 4ha sang trồng cây mít Thái xen canh 6ha trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan. Những kết quả tích cực thu được bước đầu là động lực giúp anh Đức ngày càng tự tin hơn với quyết định của mình.

Chia sẻ về quyết định trồng cây mít Thái xen canh xoài của mình, anh Đức nói rằng, bản thân rất trăn trở, đồng thời tìm hiểu thông tin khá kỹ nên mới đưa ra quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất. Đối với cây mít Thái, theo anh Đức, những năm gần đây, bà con nông dân chuyển đổi khá nhiều và hiệu quả mang lại đáng kể. Còn cây xoài dựa vào kinh nghiệm sản xuất từ gia đình, với lại quê hương Chợ Mới của anh được mệnh danh là “xứ xoài” nên không làm anh Đức lo lắng nhiều khi bắt tay trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả.

Nhắc nhiều về giống mít Thái đang trồng, chàng thanh niên nhận định, vườn mít của mình đang phát triển rất tốt, cây mít trong giai đoạn thu hoạch, năng suất trái ước đạt khá cao. Dẫn chúng tôi đi thăm mảnh vườn, anh Đức nhiệt tình chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cũng như quy trình “tuyển chọn” trái mít để nuôi dưỡng.

“Giai đoạn cây cho trái, đến khi trái lớn, cần thăm vườn mít thường xuyên. Trước là để phòng ngừa sâu bệnh, sau là để cắt tỉa những trái xấu, cho cây tập trung dinh dưỡng nuôi vài trái được chọn phát triển tốt nhất để khi thu hoạch đạt chất lượng” - anh Đức chia sẻ về kinh nghiệm trồng mít Thái của bản thân.

Anh Đức bên vườn mít Thái đang trong giai đoạn thu hoạch

Ngoài những ưu điểm về giá trị kinh tế, mít Thái có thể thu hoạch quanh năm, với giá bán ổn định… thì yêu cầu không cao về kỹ thuật là yếu tố quan trọng để anh Đức lựa chọn trồng mít Thái. Nếu xét về kỹ thuật canh tác, mít Thái trồng khá đơn giản, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như các loại cây ăn trái khác. Sau mỗi lần thu hoạch trái, người trồng sẽ cắt bỏ bớt cành thừa để cây mít nhận đủ ánh sáng, từ đó sẽ giúp trái to.

Ngoài ra, những trái đầu cành được anh Đức tỉa bỏ, chỉ giữ lại những trái ôm thân và gần gốc để đạt kết quả tốt nhất. Từ kinh nghiệm có được, theo anh Đức, để cây mít cho trái to, tròn, đẹp, ngoài việc đầu tư, chăm sóc, còn phải tích cực tỉa cành, tỉa trái.

 Với 4ha đất chuyển đổi từ năm 2019, anh Đức trồng được 5.000 gốc mít Thái (chi phí đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng). Sau một thời gian trồng trên đất đã chuyển đổi, anh Đức cho rằng, khí hậu cũng như thổ nhưỡng vùng đất Mỹ Phú Đông rất thích hợp cho cây mít Thái phát triển. Theo đó, để cây trồng phát triển tốt nhất, ít bị hao hụt, khâu chọn cây giống có vai trò rất quan trọng.

“Khi mua giống cây trồng, cần chọn cây mít có phôi lớn từ 1-2 phân để đảm bảo khi đặt xuống đất trồng, cây có thể sinh trưởng tốt. Tôi mua cây giống với giá 28.000 đồng/cây. Dù giá bán có hơi cao nhưng bù lại khi cây phôi được chọn lựa kỹ lưỡng, quá trình trồng sẽ đỡ vất vả. Song, giai đoạn cây con chăm sóc khá cực công, chỉ đến khi cây lớn, việc chăm sóc đỡ vất vả hơn. Từ khi trồng đến khi cho thu hoạch khoảng 18 tháng. Hiện, vườn mít Thái của tôi đã bước vào giai đoạn thu hoạch. Khoảng 10 ngày là sẽ có trái chín cho thương lái đến thu mua. Với số lượng khoảng 30-40 tấn ngoài vườn, dự kiến đến tháng 4 hoặc tháng 5 (âm lịch) sẽ vào đợt thu hoạch rộ. Cao điểm, mít Thái có thể được thu mua với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Theo tính toán, đến thời điểm cuối năm, tôi có thể thu hồi nguồn vốn đầu tư” - anh Đức chia sẻ thêm.

Điểm đặc biệt của cây mít Thái là cho trái nhiều trên cây mà không cần nhờ đến người trồng xử lý giai đoạn đậu trái. Để cây sinh trưởng tốt, mỗi cây mít nên để từ 3-5 trái. Cây mít yêu cầu cao về nước tưới nhưng không chịu được ngập úng, nhất là khi ra trái, nếu gốc cây bị ngập thì múi mít sẽ bị sượng. Mít loại nhất đạt trọng lượng từ 10-15kg/trái. Tuy nhiên, để không rớt giá thì cần phải chăm sóc kỹ, chỉ cần trái mít “hơi méo” một chút, thương lái sẽ đưa xuống loại 2.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Đức cho biết, sẽ tiếp tục phát triển vườn mít, đồng thời tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang cây mít Thái.

PHƯƠNG LAN