Mộc Châu: Nông dân kiếm tiền bộn tiền từ trồng chè VietGAP

24/02/2019 - 08:41

Mô hình trồng chè Shan tuyết theo hướng VietGAP ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) đang ngày càng phổ biến, tạo thành mối liên kết giữa người sản xuất và khâu tiêu thụ. Nhờ áp dụng mô hình này mà mỗi năm, gia đình chị Đỗ Thị Nhiên, xóm 1, tiểu khu 66 (thị trấn nông trường Mộc Châu) thu về 70 triệu đồng chỉ với hơn 4.300m2 chè.

Chị Nhiên cho biết: Ga đình tôi trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, được Công ty chè Mộc Châu hỗ trợ phân bón 4 lần/năm và hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật. Công ty chè cũng cử kỹ thuật viên xuống hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc vườn chè đạt hiệu quả cao nhất.

"Theo đó, để cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao và sống được bằng nghề sản xuất chè, tôi luôn tập trung thâm canh, chăm sóc, đốn tỉa, chế biến đúng kỹ thuật. Nhờ đó sản phẩm chè của gia đình luôn cho năng suất và chất lượng cao. Đến kì thu hoạch, Công ty chè Mộc Châu đến thu mua, bao tiêu sản phẩm tại vườn", chị Nhiên nói. 

moc chau:nong dan kiem tien bon tien tu trong che vietgap hinh anh 1

Chị Nhiên đang chăm chóc vườn chè Shan tuyết được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sản xuất chè VietGAP, đòi hỏi người nông dân cần tuân thủ những nguyên tắc “bất di bất dịch” để đảm bảo cho cây chè sạch bệnh và không tồn dư các chất hóa học. Trước đây, việc phòng trừ bệnh cho cây chè chỉ được tiến hành khi xuất hiện sâu hại thì giờ đây bà con đã thay đổi nhận thức, phòng bệnh là chính. Cụ thể là làm tốt từ khâu chọn giống, bón thúc, chăm sóc để cây có thể miễn nhiễm với sự biến đổi của môi trường, cho năng suất chất lượng cao.

moc chau:nong dan kiem tien bon tien tu trong che vietgap hinh anh 2

 Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, đòi hỏi người nông dân phải lập hồ sơ, sổ sách ghi lại các hoạt động sản xuất, chăm sóc, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh.

Theo kinh nghiệm của chị Nhiên, đất trồng chè phải được cày sâu, vùi lớp đất mặt xuống dưới, đào rãnh trồng khoảng cách từ 1,3 - 1,4m, rạch đào với kích thước 50 x 50cm. Khi bón phân lót, phân hữu cơ phải trộn với phân lân rải đều lên rạch hàng đã đào, sau đó phủ kín đất tơi xốp lên trên cách mặt đất 5 - 10cm.

Mỗi năm nhà vườn chỉ cần làm cỏ cho vườn chè từ 3 – 4 lần, không phải chăm sóc tỉ mỉ như cây ngô, cây lúa... bởi cây chè ít bị dịch bệnh nên không tốn nhiều chi phí chăm sóc. Nếu làm được các khâu trên, cây chè sẽ phát triển tươi tốt và đạt chất lượng cao.

moc chau:nong dan kiem tien bon tien tu trong che vietgap hinh anh 3

Nhờ áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt, vườn chè của chị Nhiên luôn phát triển tốt và đạt chất lượng cao.

“Thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, người nông dân sẽ phải theo dõi sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng sản phẩm chè. Mỗi người trồng chè đều phải lập hồ sơ, sổ sách ghi lại các hoạt động sản xuất, chăm sóc, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh trên mô hình theo quy định sản xuất chè VietGAP” - chị Nhiên cho biết thêm.

Trong những năm qua, cây chè Shan tuyết VietGAP ở huyện Mộc Châu đã khẳng định được chỗ đứng ổn định trên thị trường, nhiều gia đình khấm khá, dần giàu lên nhờ cây chè.

Đặc biệt là ở Mộc Châu (Sơn La) có xí nghiệp, Công ty chế biến chè nằm ngay trong vùng nguyên liệu, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ, giải quyết đầu ra 100% sản phẩm chè búp cho nông dân.

moc chau:nong dan kiem tien bon tien tu trong che vietgap hinh anh 4

Hiện nay, cây chè đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân Mộc Châu (Sơn La) trong phát triển kinh tế.

Chị Nhiên cho hay: Sản phẩm chè Shan tuyết theo tiêu chuẩn VietGAP được Công ty chè Mộc Châu phân ra làm 4 loại A, B, C,D để thu mua. Loại A hiện có giá 7.000 đồng/kg, loại B giá 6.000 đồng/kg, loại C mua với giá 5.000 đồng/kg, còn loại D là 4.000 đồng/kg.

"Một năm gia đình tôi thu hoạch được 6 lứa chè tươi, thu về 13 tấn, thu lãi 70 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng chè VietGAP trên 4.320m2 nương vườn, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã dư giả hơn, có của ăn của để", chị Nhiên vui vẻ chia sẻ. 

Theo HÀ HOÀNG (Dân Việt)