Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại

27/07/2022 - 07:45

 - Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành hoạt động ý nghĩa, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần đáp ứng nhu cầu máu phục vụ điều trị người bệnh, đồng thời phát huy tinh thần “Tương thân tương ái” của dân tộc ta.

Người dân tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: THANH HÙNG

Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng xã hội. Hiến máu không ảnh hưởng đến sức khỏe, ngược lại còn có lợi cho sức khỏe, vì lượng máu trong cơ thể được đổi mới, cơ thể tự sản xuất các tế bào máu mới để bù lại số tế bào máu mất đi sau khi cho máu.

Những tế bào máu mới này trẻ hơn, khỏe hơn giúp cơ thể hoạt động tốt hơn và chống lại các tác nhân gây bệnh mạnh hơn. Hiến máu để giúp đỡ người bệnh và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho họ. Hiểu được sự quan trọng và lợi ích của việc hiến máu, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tích cực trong việc chủ động nguồn máu sạch kịp thời phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh.

Từ năm 2000, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, phong trào hiến máu tình nguyện đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm máu, nâng cao nhận thức của người dân trong việc hiến máu nhân đạo, đề cao và phát huy nghĩa cử nhân ái, truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam.

Chương trình “Hành trình đỏ” đã trở thành chiến dịch truyền thông lớn với nhiều hoạt động thiết thực, thúc đẩy công tác vận động hiến máu, tuyên truyền về các bệnh tan máu bẩm sinh và cách phòng ngừa trong cộng đồng. Chương trình không chỉ vận động, tiếp nhận lượng máu từ các tình nguyện viên để khắc phục tình trạng thiếu máu tại các cơ sở y tế, mà còn mang ý nghĩa tôn vinh truyền thống nhân văn của người dân Việt Nam trong việc hiến máu cứu người. Đồng thời, chương trình “Hành trình đỏ” cũng đẩy mạnh kêu gọi tổ chức hiến máu an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời các chế phẩm máu cho cấp cứu và điều trị.

Giai đoạn 2016-2021, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động và các sự kiện: Lễ hội Xuân hồng, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Chiến dịch những giọt máu hồng hè, Tôn vinh người hiến máu, chương trình “Hành trình đỏ”... với sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân hiểu được lợi ích của việc hiến máu cứu người và tham gia hiến máu với 69.885 đơn vị máu được tiếp nhận, trị giá 16,9 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận được hơn 8.500 đơn vị máu, đã kịp thời cung cấp phục vụ cho cấp cứu và điều trị người bệnh trong và ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), đã 66 lần tham gia hiến máu tình nguyện) chia sẻ: “Trước đây, với suy nghĩ bị lấy máu đi thì cơ thể mình sẽ bị suy yếu, sức khỏe kém và có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh khác. Vì thế, tôi đã e ngại và không dám đi hiến máu. Nhưng qua tuyên truyền và được tư vấn tôi mới hiểu khi lượng máu của mình bị lấy đi sẽ tái tạo lại dòng máu khác bổ sung để nuôi dưỡng cơ thể.

Bên cạnh đó, hàng ngày qua các phương tiện thông tin, tôi đã nhìn thấy nhiều bệnh nhân đang thoi thóp trên giường bệnh, trông chờ từng giọt máu của cộng đồng để cứu sống mình. Do đó, tôi đã tình nguyện đi hiến máu cứu người. Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, được mang giọt máu của mình để chia sẻ sự sống cho những người bệnh đang gặp nguy hiểm, tôi cảm thấy hạnh phúc vô ngần”.

Để phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục được lan tỏa và nhân rộng trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động, linh hoạt trong việc phối hợp với các cơ quan để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện hiệu quả, đạt các chỉ tiêu đề ra. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải vào cuộc, phải gương mẫu và tích cực tham gia vận động người dân hiến máu.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức về ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo không phải chỉ riêng ngành y tế mà là của toàn xã hội. Cùng với đó, kịp thời tổng kết, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân hiến máu tiêu biểu tại các địa phương, đơn vị nhằm tri ân, khuyến khích động viên, nhân rộng những tấm gương sáng về hiến máu tình nguyện trong cộng đồng nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Mỗi giọt máu hồng tình nguyện được cho đi không đơn thuần là cứu người, mà còn là sự sự chung tay, góp sức chia sẻ yêu thương của cả cộng đồng đối với người bệnh. Hy vọng, nghĩa cử cao đẹp này sẽ tiếp tục lan tỏa khắp nơi để cùng trao niềm tin, hy vọng và sự sống cho những người bệnh đang gặp khó khăn về sức khỏe.

 TRỌNG TÍN