Nâng tầm cá Việt

06/01/2022 - 21:07

 - “Nâng tầm cá Việt” là ý tưởng sáng tạo, độc đáo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn đơn vị triển khai thực hiện là Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc An Giang (gọi tắt Công ty Việt Úc).

Đột phá từ con giống

Trước đó, Công ty Việt Úc ký kết Chương trình hợp tác chiến lược với Viện CSIRO (Úc). Đây là một trong 3 viện nghiên cứu về thủy sản lớn nhất thế giới, có nhiều kinh nghiệm cải tạo con giống, chất lượng thủy sản từ nước mặn đến nước ngọt. Thành công đầu tiên từ hợp tác với Viện CSIRO là 2 bên đã thực hiện chương trình “Nâng tầm tôm Việt” trong 20 năm qua. Mỗi năm cho ra thị trường 15 tỷ con tôm post hoàn hảo (truy xuất được nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm), sở hữu diện tích thả nuôi tôm 102ha, trải dài từ Bắc chí Nam.

Từ kinh nghiệm trong cải tạo chất lượng tôm giống, Công ty Việt Úc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới được giao là “Nâng tầm cá Việt”. Đối tượng trước nhất là con cá tra Việt Nam, khâu đột phá từ con giống. Đây được xem là khâu khó nhất trong chuỗi ngành hàng cá tra, khi cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ tại ĐBSCL không đủ nguồn lực, kinh nghiệm để thực hiện. Khâu đột phá này hướng đến 3 mục tiêu: Cá nuôi tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ sống cao hơn và cải thiện chất lượng thịt tốt hơn.

Cho cá sinh sản nhân tạo

“Chúng tôi xác định phải bắt đầu từ việc cải thiện chất lượng đàn cá bố mẹ, cải thiện chất lượng con giống. Cồn Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu) được chọn làm khu nuôi an toàn sinh học, bởi vị trí nằm độc lập giữa sông, gần bãi đẻ của cá thiên nhiên từ trước đến giờ” - ông Võ Minh Khôi (Giám đốc điều hành Công ty Việt Úc) cho biết. Từ năm 2016 đến nay, Công ty Việt Úc xây 37 nhà màng, trong đó 36 nhà màng rộng 200m2, nhà màng còn lại rộng 10.000m2.

Bằng công nghệ di truyền phân tử (phân tích ADN), thông qua nhà màng, công ty phân tích được con cá bố mẹ nào mang đoạn gen mình cần (tăng trưởng nhanh), từ đó tiếp tục nuôi dưỡng, sàng lọc. Và mỗi thế hệ phải theo dõi liên tục trong 3 năm. Kết quả trong 6 năm triển khai thực hiện, chất lượng đàn cá bố mẹ không ngừng được cải thiện. Ông Khôi vui mừng: “Đến nay, công ty sản xuất được thế hệ G2, với mức tăng trưởng vượt trội hơn thế hệ ban đầu là 20,7%. Mục tiêu đến năm 2023, sản xuất thành công thế hệ G3 và đẩy mạnh thương mại hóa giống cá tra chất lượng cao để phục vụ nuôi xuất khẩu. Nói rõ hơn, sự khác biệt của con giống chất lượng cao so với con giống bản địa là độ tăng trưởng cao hơn 20,7%, cá thích nghi với môi trường nuôi tốt hơn. Tỷ lệ sống trong quá trình nuôi từ cá giống lên cá thương phẩm đạt trên 65%. Thịt cá ít mỡ, đầu xương nhỏ lại, tỷ lệ phi-lê cao cùng nhiều tính năng vượt trội khác”.

Triển vọng của cá tra

Bên cạnh việc cải thiện chất lượng di truyền đàn cá bố mẹ, Công ty Việt Úc không ngừng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh trong quản lý, sản xuất. Bằng việc áp dụng nhà màng, làm chủ được công nghệ sản xuất thức ăn tươi sống cho cá, chương trình đã nâng mật độ thả nuôi/diện tích ao tăng lên gấp 4 lần (so với sản xuất truyền thống). Tỷ lệ sống của con giống lên 50% (so với truyền thống chỉ từ 15 - 20%). Đây là thành công bước đầu của chương trình “Nâng tầm cá Việt” trong 6 năm qua.

“Con giống chất lượng cao đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra hiện nay. Cụ thể, nó sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng, mở ra triển vọng rất lớn trong xuất khẩu. Việc quy hoạch, sản xuất cá tra giống bằng công nghệ cao là hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tế đang đặt ra. Đề án cá tra 3 cấp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, tạo điều kiện rất tốt trong liên kết các khâu của chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá.

Chọn tạo được con giống tốt, chất lượng hơn sẽ giúp doanh nghiệp nuôi thương phẩm, chế biến xuất khẩu nâng cao hiệu quả trong sản xuất, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu của ngành hàng cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Rồi đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam mỗi năm sẽ không dừng lại ở con số 2,2 tỷ USD/năm, mà sẽ tiến xa hơn, bởi từ con giống chất lượng cao, màu sắc của miếng phi-lê sẽ đẹp hơn, mùi vị thơm hơn, kích thích người tiêu dùng thế giới tìm đến sản phẩm này để thưởng thức.

Hiện, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đi 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 4 thị trường chính là Trung Quốc - Hong Kong, Hoa Kỳ, EU và Châu Á. Thành công của việc sản xuất con giống chất lượng cao mở ra triển vọng rất lớn cho ngành hàng này trong tương lai.

MINH HIỂN