Nâng tầm thương hiệu nhãn xuồng Khánh Hòa

10/06/2020 - 05:18

 - Khi Tổ hợp tác (THT) nhãn xuồng Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) được nâng lên thành hợp tác xã, đồng thời tham gia vào Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang, sản phẩm nhãn xuồng sẽ có cơ hội mở rộng kênh tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Mở rộng diện tích

Nhãn xuồng vốn là loại cây trồng phổ biến ở miệt vườn Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long… chứ không phải An Giang. Tuy nhiên, khi mang về vùng Khánh Hòa (Châu Phú) trồng, cây lại cho trái to, vỏ dày, cơm khô, thơm ngon hơn nơi xuất phát nguồn gốc. Người đầu tiên mang cây nhãn xuồng về trồng ở xã Khánh Hòa là ông Nguyễn Văn Thẳng (ấp Khánh An), Tổ trưởng THT nhãn xuồng Khánh Hòa hiện nay.

“Năm 2000, khi tôi đến chơi nhà người bạn ở Vĩnh Long, thấy giống nhãn xuồng này ngon nên mua cây giống về trồng thử. Khi ấy, thấy tôi cải tạo 10 công đất (10.000m2) trồng nhãn và xoài (3 công trồng nhãn, 7 công trồng xoài), nhiều người cười, nói xứ lúa mà đi trồng nhãn. Không ngờ, nhãn phát triển tốt, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho năng suất bình quân 800kg/công, giá bán cao, lợi nhuận rất khá” - ông Thẳng nhớ lại.

Thấy mô hình của ông Thẳng hiệu quả, nhiều nông dân Khánh Hòa đã đến học hỏi, đặt mua cây giống về cải tạo đất lúa thành vườn nhãn. Đến nay, diện tích nhãn xuồng ở Khánh Hòa hơn 100ha. Năm 2018, THT nhãn xuồng Khánh Hòa được thành lập, thu hút 23 thành viên tham gia, giờ tăng lên 25 thành viên với diện tích 20ha.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng (thành viên THT) cho biết, cách nay 20 năm, ông trồng thử nghiệm 2 công nhãn xuồng, thấy cây phát triển tốt, lợi nhuận ổn định nên năm 2016, ông quyết định gom vốn cải tạo vườn, nâng tổng diện tích trồng nhãn lên 22 công.

“Khoảng 24 tháng sau thời gian đặt cây giống là nhãn bắt đầu ra hoa, có trái. Tuy nhiên, để dưỡng sức cây khai thác lâu dài, sau 4 năm tôi mới bắt đầu thu hoạch trái. Từ năm thứ 5 đến năm thứ 8, cây phát triển hừng hực nhất. Từ năm thứ 13 trở về sau, cây có dấu hiệu suy kiệt, mình bổ sung phân bón vào, cây lại phục hồi, cho trái ổn định” - ông Tùng chia sẻ.

Thành viên THT nhãn xuồng Khánh Hòa trao đổi kỹ thuật canh tác

Theo ông Tùng, cây nhãn rất dễ trồng, dễ chăm sóc, hầu như không có sâu bệnh. Kinh nghiệm của ông Tùng là khi cắt cành, tỉa nhánh, cho cây nhãn “ăn” phân bò ủ, sau đó bón bổ sung thêm phân NPK 20-20-15 để kích trổ bông. Từ giai đoạn đậu trái đến thu hoạch, không cần bón phân, phun thuốc gì thêm. “Do đặc tính này mà cây nhãn rất dễ trồng theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ” - ông Tùng nhấn mạnh.

Thành lập hợp tác xã

Là 1 nông dân trẻ, anh Võ Quốc Thanh (ấp Khánh An, xã Khánh Hòa) cũng mạnh dạn đầu tư cải tạo 7 công đất lúa, xuống Bến Tre mua cây giống nhãn xuồng về trồng, đồng thời đăng ký tham gia vào THT nhãn xuồng Khánh Hòa để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm canh tác với các anh, các chú đi trước. Sau 4 năm xuống giống, vườn nhãn của anh hiện đang ra hoa, kết trái vụ đầu tiên.

“Chi phí đầu tư mướn kobe cải tạo vườn, đặt đường ống tưới nhỏ giọt, kéo đường dây điện, đặt cây giống… bình quân khoảng 10 triệu đồng/công. Tôi thấy mấy năm nay, giá nhãn bán tại vườn ổn định từ 40.000-45.000 đồng/công. Với năng suất 800kg/công, có thể đạt doanh thu hơn 30 triệu đồng/công. Đây là doanh thu rất khá so với một số loại cây trồng khác” - anh Thanh thông tin.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết, sản phẩm nhãn xuồng Khánh Hòa đã được huyện thẩm định, đạt yêu cầu sản phẩm OCOP với mức từ 3 sao trở lên, đang hoàn chỉnh thủ tục để trình tỉnh thẩm định. “Khi được công nhận sản phẩm OCOP, nhãn xuồng Khánh Hòa sẽ được hỗ trợ quảng bá, trưng bày tại các hội chợ, triển lãm, tạo điều kiện để sản phẩm đi xa hơn, có nhiều thị trường hơn và tiêu thụ ổn định” - Hưng nhấn mạnh.

Ông Hưng cho biết thêm, sau khi THT nhãn xuồng Khánh Hòa được thành lập (năm 2018), Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú đã hỗ trợ thủ tục để cơ quan chuyên môn tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, làm logo, nhãn mác, liên hệ Sở Công thương cấp tem truy xuất nguồn gốc để không lẫn lộn với sản phẩm nhãn các nơi khác.

“Tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh nhãn xuồng Khánh Hòa với diện tích 200ha, có chính sách hỗ trợ đầu tư thủy lợi. Huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân vay vốn để mở rộng diện tích. Trước yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, THT nhãn xuồng Khánh Hòa sẽ được nâng lên thành hợp tác xã ngay trong năm nay với lĩnh vực kinh doanh rộng hơn, sản phẩm đa dạng hơn và cách thức tổ chức chuyên nghiệp hơn” - ông Hưng kỳ vọng.

“Khi được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và có hợp tác xã kiểu mới điều hành, sản phẩm nhãn xuồng Khánh Hòa càng có cơ hội vươn xa” - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng nhấn mạnh.

 

NGÔ CHUẨN