Nghề đan lát truyền thống Cơ Tu - đừng để chìm trong hoài niệm

21/10/2020 - 08:11

Dù sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời với sản phẩm đa dạng và tinh tế nhưng nghề đan lát của người Cơ Tu ở nhiều làng chỉ còn lại trong tiềm thức. Trước nguy cơ mai một của nghề đan lát có niên đại hàng trăm năm này, những người yêu nghề truyền thống đã tìm nhiều hướng đi để khôi phục.

Nghề truyền thống giữa núi rừng

Truyền thống đan lát của đồng bào Cơ Tu có từ rất lâu đời. Trong cuộc sống lao động sản xuất, săn bắn, hái lượm, sinh hoạt hàng ngày và tổ chức lễ hội, người Cơ Tu sử dụng rất nhiều vật dụng từ nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Đó là những nong, nia làm thóc; mâm ăn cơm, đựng đồ cúng; chiếu, gối, rổ đựng, giỏ tuốt lúa, giỏ tỉa hạt, đơm bắt cá, để nằm và đặc biệt là rất nhiều loại gùi với mẫu mã và công dụng khác nhau.

Nói đến sản phẩm đan lát của người Cơ Tu, phải nói đến xà lếch, chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông, là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát. Ngoài ra còn có p’reng – một loại gùi nhỏ được trang trí những hoa văn rất độc đáo mà trẻ em Cơ Tu theo mẹ mỗi khi đi lễ hội, hay P’rom- một loại gùi dành riêng cho phụ nữ để mang quà đi biếu mẹ cha... 

Xưa, đàn ông Cơ Tu từ nhỏ đã được truyền nghề bởi những nghệ nhân của làng. Vì thế, họ thành thạo việc đan lát từ rất sớm và xem đây như một “tài nghệ” để chuẩn bị cho việc bắt vợ, gả chồng sau này.

Trong vô số quà tặng của nhà trai cho nhà gái trong ngày cưới hỏi, luôn kèm vài chiếc gùi đan bằng mây, hoặc chiếc nong, nia do chính tay chú rể đan làm quà ra mắt bố mẹ, người thân bên vợ. Phong tục độc đáo này cũng một phần giúp lưu giữ được nghề đan lát truyền thống của đồng bào Cơ Tu trong suốt hàng trăm năm qua.

Nguyên liệu để người Cơ Tu làm ra các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống là mây, tre, lồ ô, dứa, sợi guột, dây bìm bịp rừng... lấy trong rừng và phải qua một số công đoạn sơ chế rất công phu. Thường thì thanh niên trai trẻ trong làng được giao lên rừng khai thác nguyên liệu, còn việc đan lát chủ yếu ở nhà là già làng và những người có kinh nghiệm.

Sau khi nguyên liệu được lấy về, tùy từng loại sản phẩm mà họ có thể đem ngâm ở khe suối hoặc chẻ ra rồi vót thành nan, đặt trên giàn bếp để tránh khỏi bị mọt, tạo cho sản phẩm có độ bền. Để hoàn thành một sản phẩm này cần ít nhất 3-5 ngày, thậm chí có những sản phẩm mất cả tháng.

Nhắc đến già Hốih Cooi, nhiều người ở xã Ta Bhing (Quảng Nam) xem ông như một bậc thầy về nghề đan lát truyền thống. Bằng đôi bàn tay khéo léo, già Cooi đã tạo ra nhiều sản phẩm đan lát, vừa thể hiện được sự tài hoa, tỉ mỉ, vừa thổi hồn vào những sản phẩm độc đáo của mình. Những chiếc tà léc (một loại gùi dành cho đàn ông Cơ Tu), chiếc gùi nữ, mâm cơm… được cách điệu bằng các họa tiết thường thấy trong văn hóa của đồng bào vùng cao.

Động lực giữ nghề

Dù sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời, với sản phẩm đa dạng và tinh tế, nhưng nghề đan lát của người Cơ Tu vẫn không thể phát triển trong nhiều năm gần đây. Nhiều sản phẩm truyền thống chỉ còn lại trong tiềm thức. Thậm chí, còn rất ít người ở các buôn làng có thể đan được các sản phẩm truyền thống.

 Các nghệ nhân người Cơ Tu trình diễn nghệ thuật nghề đan lát niên đại hàng trăm năm.

Chưa kể đến sự xâm nhập, cạnh tranh của các mặt hàng gia dụng bên ngoài với nhiều mẫu mã đa dạng, trong khi vật liệu tự nhiên (mây, nứa) ở vùng cao ngày càng khan hiếm. Người Cơ Tu cũng không có thu nhập từ nghề đan lát nên phải sống phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng trong khu vực sinh sống của mình, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cũng như sự đa dạng sinh học của rừng.

Già C’lâu Nhấp nói: “Chứng kiến nghề truyền thống dần mất đi, ai cũng thấy đau lòng lắm. Đã có nhiều cuộc họp bàn làm thế nào để vực dậy được nghề truyền thống, nhưng rồi cũng không làm nổi, vì cuộc sống bây giờ đã khác xưa rất nhiều”.

Trước nguy cơ mai một của nghề đan lát truyền thống Cơ Tu, những người yêu nghề truyền thống đã tìm hướng để khôi phục lại. Ngày 17/10 vừa qua, triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu diễn ra tại Hà Nội qua đó giúp người xem có thể hình dung toàn thể về nghề và những sản phẩm đan lát thủ công của người Cơ Tu.

Trước đó, tỉnh Quảng Nam cũng phối hợp tìm hướng khôi phục lại nghề đan lát nổi tiếng của đồng bào tại các thôn Bh’hôồng (xã Sông Kôn, H. Đông Giang); thôn Voòng (xã Tr’Hy, H. Tây Giang); thôn Công Dồn (xã Zduôih, H. Nam Giang)...

Con em của dân làng được học nghề và giới thiệu về mẫu đan lát, mây tre của các tỉnh bạn. Sản phẩm làm ra trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách. Nghề đan lát đã tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam.

Các dự án hỗ trợ trên 450 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang đã tham gia các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu mây và đào tạo nghề đan lát thủ công, phát triển thị trường nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con, để bà con giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng.

Đến nay, 150 ha nguyên liệu mây đã được trồng mới dưới những tán rừng và 50 ha mây tự nhiên được bảo vệ và khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình cũng đã được đào tạo nghề để tạo nên rất nhiều các sản phẩm quà tặng và sản phẩm trang trí mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống xưa.

Các già làng, trưởng bản phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của làng, luân phiên nhau vào rừng kiếm nguyên vật liệu về phục vụ đan lát. Cứ thế, khi công việc gia đình đã hoàn tất, họ lại cùng nhau tập trung học nghề, truyền nghề đầy niềm vui dưới mái Gươl làng (trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng). 

“Sau một thời gian thí điểm, nhiều sản phẩm của làng nghề Pơr’ning đã được bán ra thị trường. Qua đánh giá, mặt hàng này rất bền về chất lượng sử dụng, giá cả lại phù hợp với đồng bào miền núi, mẫu mã ngày càng đa dạng. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sản phẩm này sẽ tiếp tục được mở rộng thị trường tiêu thụ, cung ứng cho nhu cầu của khách hàng ở trong và ngoài tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi nói.

Già C’lâu Nâm, người anh hùng lực lượng vũ trang của xã Lăng (huyện Tây Giang) cho biết: “Hàng ngày, nếu không bận công việc gì, ai cũng mang vật liệu đến nhà Gươl để ngồi đan từng chiếc gùi, cái rổ, nong, nia… Người đan giỏi thì bày cho người mới biết đan, người mới biết đan chỉ lại cho người chưa biết. Cứ thế, vừa học hỏi lẫn nhau, vừa chỉ dạy nhau về nghề đan lát truyền thống của cha ông mình”.

Để đa dạng mẫu mã sản phẩm, đồng bào còn đan thêm túi xách, nón lá alớ trông rất đẹp mắt bán cho du khách. Trên các trang mạng xã hội facebook, nhiều khách hàng ở TP.Đà Nẵng đã bắt đầu tìm kiếm, đặt hàng sản phẩm chiếu, gối alớ, mang về tiêu thụ.

“Địa phương rất quan tâm, động viên tôi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Bởi văn hóa là tài sản quý giá mà bao đời cha ông đã sáng tạo ra. Tôi cũng mong muốn ở các thế hệ trẻ cần phải biết từng bước giữ gìn, phát huy giá trị độc đáo của đồng bào mình. Có như thế, văn hóa truyền thống của người Cơ Tu mới tiếp tục được truyền nối và không bị mai một” - già Hốih Cooi bộc bạch. 

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Pháp Luật)

 

Liên kết hữu ích