Rót chén trà cùng đĩa quả na thơm nồng mời khách, trong câu chuyện với anh Sao, chúng tôi được biết: Năm 2004, sau rời quân ngũ trở về quê hương, anh Sao lập gia đình. Để có thu nhập nuôi gia đình, anh Sao đi làm thuê, làm mướn khắp nơi nhưng thu nhập bấp bênh, không ổn định.
Theo anh Sao, nhờ trồng na Thái, gia đình anh đã xây được nhà khang trang, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều. Ảnh: Tuệ Linh.
Với sự cần cù, chịu khó cùng nhiều năm trải nghiệm thực tế và tìm hiểu thêm thông tin về các loại giống cây ăn quả trên các kênh truyền hình nông nghiệp, sách, báo, internet… Năm 2017, anh Sao bỏ khoảng 40 triệu đồng từ số vốn tiết kiệm của gia đình mua 1.000 gốc na Thái ở miền Nam về trồng trên diện tích hơn 1,2 ha.
Thời điểm này, gia đình anh Sao đang bước vào vụ thu hoạch na Thái. Ảnh: Tuệ Linh.
Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, sau 3 năm trồng những cây na Thái trong vườn đã cho bói quả. Vụ đầu tiên, gia đình anh Sao thu được 4 tấn quả, với giá 50 nghìn đồng/kg, thu về 200 triệu đồng. Để có thêm kinh nghiệm sản xuất và tạo đầu ra cho quả na, năm 2018, anh Sao tham gia HTX bản Mé Lếch.
Để đảm bảo chất lượng, anh Sao thực hiện bao trái cho quả na ngay từ khi quả non. Ảnh: Tuệ Linh.
Anh Sao chia sẻ: Khi tham gia HTX, toàn bộ diện tích na được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Bên cạnh đó, tôi cùng các thành viên được đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác và học hỏi từ những hộ dân trồng na lâu năm trên địa bàn huyện Mai Sơn… Nhờ vậy, năng suất, chất lượng cũng tăng lên. Vụ na năm 2020, gia đình tôi xuất bán ra thị trường 18 tấn na, với giá bình quân 65 nghìn đồng/kg, thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 800 triệu đồng.
Một trái na Thái khủng của anh Sao nặng khoảng 1kg. Ảnh: Tuệ Linh.
Theo anh Sao, ưu điểm của loại na Thái là ra trái vụ quanh năm, ngay sau khi thu hoạch xong cần phải thực hiện cắt tỉa cành, tạo tán theo hình chóp, tán rộng bên dưới và thưa dần trên cao, để đảm bảo tất cả các cành đều được hưởng ánh nắng mặt trời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào mùa vụ mới.
Việc bón phân phải đúng quy định kết hợp cả phân chuồng, phân vi sinh. Có như vậy cây mới cho ra hoa, đậu quả tốt. Mặt khác, cần thực hiện bao trái cho quả na còn non để phòng, chống các loại sâu bệnh. Ngoài ra thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý rệp sáp ở trái, ngọn, lá non, tránh ảnh hưởng đến năng suất.
Những trái na Thái được đóng gói vào thùng xốp chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Tuệ Linh.
Thời điểm này, gia đình anh Sao đang bước vào vụ thu hoạch na, tuy nhiên do tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp nên đầu ra gặp khó khăn, giá na Thái giảm xuống còn 40 nghìn đồng/kg. Để có đầu ra ổn định, ngoài việc xuất bán cho các khách hàng quen thuộc tại các chợ đầu mối ở thành phố Hà Nội và một số siêu thị như HP Mart, Big C thì anh Sao cũng đang tích cực quảng bá sản phẩm quả na Thái trên mạng xã hội Facebook, Zalo thông qua hình thức bán hàng livestream. Hiện, anh Sao đã xuất bán được 7 tấn na Thái ra thị trường. Ước tính vụ năm nay gia đình anh sẽ thu được trên 22 tấn quả na Thái.
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Sao livestream bán na trực tiếp trên Zalo, Facebook. Ảnh: Tuệ Linh.
Anh Sao cho biết: So với nhiều loại cây trồng khác, na Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Từ trồng na Thái, gia đình tôi đã có của ăn, của để, làm được nhà cửa khang trang. Thấy trồng na là hướng đi đúng. Hiện, gia đình đang trồng thêm giống na Đài Loan vị dứa và vị sầu riêng theo quy trình VietGAP và hữu cơ.
Với phương thức bán hàng livestream, từ đầu vụ đến nay, anh Sao đã xuất gần 1 tấn na ra thị trường. Ảnh: Tuệ Linh.
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng na của gia đình anh Sao đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành điển hình tiên tiến để các thành viên trong HTX và nông dân địa phương học tập, làm theo, qua đó, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Theo Dân Việt