Nhìn lại sản xuất “3 tại chỗ”

27/08/2021 - 07:24

 - Khi thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, phương án tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” có lợi thế là khép kín được quy trình, không để công nhân tiếp xúc với bên ngoài, tránh lây nhiễm vào khu vực sản xuất. Tuy nhiên, nếu kéo dài quá lâu, sẽ rất khó cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ).

Nhiều khó khăn

Là nhân viên một DN chuyên ngành rau quả, có nhà máy đóng trên địa bàn phường Bình Khánh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), chị D.T.H.M. đã vào ở hẳn trong nhà máy, thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 15-7 đến nay. “Nhà tôi ở phường Bình Khánh, cách chỗ làm chưa tới 3km. Do công ty yêu cầu phải thực hiện làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại nhà máy nên tôi đành nhờ người thân chăm sóc 2 đứa con nhỏ ở nhà. Cứ tưởng khoảng 2-3 tuần là trở lại bình thường nhưng đã kéo dài gần 1,5 tháng”- chị M. thông tin.

Nhân viên này cho biết, thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, tâm lý NLĐ dễ bị stress, mệt mỏi khi sinh hoạt, ngủ nghỉ trong không gian hẹp, đông người, nhiều nhu cầu thiết yếu chưa đáp ứng đủ, khó tái tạo sức lao động. “Tôi nghĩ, đối với những nhà máy ở “vùng xanh” an toàn, NLĐ cũng ở “vùng xanh” trong cự ly gần, nên cho họ về nhà nghỉ ngơi và cam kết đi làm trên 1 cung đường duy nhất, đảm bảo quy định “5K”. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho NLĐ” - chị M. đề xuất. 

Đặc thù nhà máy, kho chứa lương thực tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” khá bất tiện

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đa số DN, NLĐ. Đại diện một DN kinh doanh phân bón ở xã Bình Long (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” cho thấy hiệu quả không cao. “Đặc thù ngành kinh doanh phân bón cần đông công nhân. Theo yêu cầu của địa phương, chúng tôi sản xuất “3 tại chỗ”.

Với mô hình này, DN đội thêm nhiều chi phí, lại áp lực về pháp lý nếu để lây lan dịch bệnh. Điều kiện kho chứa phân bón nóng nực, thiếu chỗ tắm, giặt, vệ sinh, công nhân sinh hoạt, nghỉ ngơi rất khó khăn. Đa phần công nhân nhà ở gần kho nhưng không được về nhà hơn 1 tháng nay, nên nhiều người bị tress. Nếu kéo dài thêm “3 tại chỗ”, chắc công nhân nghỉ hết, nhiều kho phân bón sẽ ngưng hoạt động, chuỗi cung ứng phân bón có thể bị đứt gãy” - chủ một DN chia sẻ.

Công ty này cho rằng, đối với DN có nhà máy, kho bãi sản xuất ở “vùng xanh” và NLĐ cũng ở “vùng xanh” trong bán kính không quá 5km, nên chuyển từ sản xuất “3 tại chỗ” sang mô hình “2 điểm đến, 1 cung đường”. Tức DN lập danh sách, địa phương xác nhận cho NLĐ đi từ nhà đến chỗ làm (2 điểm đến) trên 1 cung đường duy nhất. “Để đảm bảo an toàn, ngành y tế địa phương có thể phối hợp với DN tổ chức xét nghiệm mẫu gộp cho toàn bộ NLĐ bằng phương pháp PCR định kỳ 3-5 ngày/lần” - chủ DN này đề xuất.

Linh hoạt phương án

Nhằm đảm bảo giữ khoảng cách, hạn chế tập trung đông người và tạo thuận tiện, thoải mái cho NLĐ, những DN có điều kiện đã sáng tạo trong thực hiện “3 tại chỗ”. Điển hình như ở Xí nghiệp Cảng Mỹ Thới (thuộc Công ty Cổ phần Cảng An Giang), nơi có lượng công nhân lớn, đơn vị đã bố trí những khu sinh hoạt, nghỉ ngơi theo cụm, mỗi cụm không quá 10 công nhân. Những nhóm công nhân từng cụm có ca trực chung, ăn uống, ngủ nghỉ chung. Cách làm này an toàn, thuận lợi cho công nhân hơn là gom hết NLĐ cùng sinh hoạt, nghỉ ngơi một chỗ.

Duy trì “3 tại chỗ” kéo dài, khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có điều kiện tổ chức “3 tại chỗ” ổn thỏa. Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) Phạm Xuân Quế cho biết, đối với các công ty thành viên của Vinafood 1 ở An Giang, Đồng Tháp, rất khó sản xuất “3 tại chỗ”. Nguyên nhân do đặc thù nhà máy chế biến lương thực và kho chứa phải vận hành máy móc ồn ào, môi trường nhiều bụi bặm, không có không gian để bố trí chỗ ngủ nghỉ, ăn uống, sinh hoạt cho công nhân. DN này đề xuất, thay vì sản xuất “3 tại chỗ”, có thể cho phép DN thuê bao khách sạn gần nhà máy sản xuất, cho công nhân ăn, nghỉ tại khách sạn rồi đi làm theo mô hình “2 điểm đến, 1 cung đường” sẽ thuận tiện, an toàn hơn.

Bên cạnh vấn đề “3 tại chỗ”, nhiều DN cũng gặp vướng mắc với quy định test nhanh SARS-CoV-2 chỉ có giá trị trong 24 giờ. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tường Dung An Giang (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú), cho biết, DN là đại lý phân bón cấp 1 của đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ, phân bón Bình Điền…

“Chúng tôi đang chịu áp lực và gánh nặng chi phí test nhanh hàng ngày cho các tài xế xe, tài công ghe, công nhân bốc xếp phân bón. Để có giấy xét nghiệm âm tính, NLĐ phải xuống Trung tâm Y tế huyện Châu Phú xếp hàng chờ, vậy mà hôm sau lại hết hạn. Tôi nghĩ, tài xế ở địa phương khác vào tỉnh thì kiểm tra kỹ phải rồi, còn trong tỉnh nên cho giá trị test nhanh có thời hạn 3 ngày (72 giờ) để thuận tiện vận chuyển, phân phối hàng hóa xuống người dân, chứ ngày nào cũng phải test thì rất khó cho DN và NLĐ” - bà Dung đề nghị.

Bên cạnh đề nghị tổ chức mô hình “2 điểm đến, 1 cung đường”, nâng thời gian test nhanh trong nội bộ tỉnh lên 72 giờ, nhiều DN đề xuất Trạm Y tế xã nên phối hợp test nhanh hoặc xét nghiệm PCR mẫu gộp cho NLĐ ngay tại nơi sản xuất theo định kỳ 3 ngày/lần. Cách làm này nhằm hạn chế đông người tập trung về Trung tâm Y tế cấp huyện, giảm thời gian chờ đợi..

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích