Những điểm mới trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI

22/07/2020 - 04:26

 - Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thời gian qua, công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự được tập trung chỉ đạo, việc xây dựng dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) được thực hiện đảm bảo nội dung, trình tự.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI gồm 3 nội dung: dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; gợi ý một số nội dung trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI cần tập trung thảo luận tại Đại hội Đảng các cấp; dự thảo báo cáo tóm tắt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm (2021-2025) của tỉnh An Giang.

Chủ đề Đại hội XI Đảng bộ tỉnh là: “Xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, khát vọng phát triển, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; khai thác tốt lợi thế, tiềm năng và xu thế thời đại, tạo động lực mới để phát triển nhanh và bền vững”. So với chủ đề của nhiệm kỳ trước, chủ đề Đại hội XI Đảng bộ tỉnh bổ sung và phát triển thêm: “khát vọng phát triển… sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; xu thế thời đại, tạo động lực mới”.

Về đánh giá khái quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI đã đánh giá một cách toàn diện những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua: “Kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp với nguồn lực của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng khu vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. GRDP bình quân đầu người tăng khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, tổ chức bộ máy hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả”. Đồng thời, khái quát kết quả thực hiện 3 khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội X đạt nhiều kết quả thiết thực.

Dự thảo báo cáo chính trị đã làm rõ những nguyên nhân của kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân: “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp luôn giữ vững vai trò trung tâm đoàn kết, dân chủ, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành; quan tâm đầu tư nguồn lực phát triển KTXH, chăm lo cải thiện đời sống Nhân dân; khơi dậy khát vọng, tiềm lực trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển của địa phương. Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chú trọng công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đoàn kết, củng cố niềm tin trong nội bộ và nhân dân.

Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ; sự giúp đỡ trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành bạn”. Đồng thời, dự báo tình hình thế giới và trong nước trong những năm tới; nhận định những thuận lợi và thách thức đối với An Giang, trong đó bổ sung: “Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực như: an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, dịch bệnh trên người, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến phát triển KTXH của tỉnh”.

Quan điểm phát triển trong 5 năm 2020-2025 là: “Phát triển KTXH là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh”.

So với văn kiện Đại hội X, trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã bổ sung thêm nội dung: “Nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch”.

Về mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2020-2025: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình cả nước; đến năm 2030 tăng trưởng kinh tế đạt trên mức trung bình cả nước”.

Trong đó, bổ sung điểm mới là: “… hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân” để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chú trọng nâng cao chất lượng sống của người dân.

Dự thảo báo cáo chính trị đã xác định 3 khâu đột phá trong 5 năm tới, gồm: “Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch. Cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung vào chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp và nâng cao giá trị các mặt hàng chủ lực”. Cùng với đó là 14 chỉ tiêu và 15 giải pháp đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững…

Việc đưa dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh ra lấy ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân đã và đang tạo một bầu không khí dân chủ trong xã hội, để mỗi người dân thể hiện quyền và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Qua đó, nhằm phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đồng thời, giúp các cấp ủy Đảng nắm được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, phát triển chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

THU THẢO