Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

01/03/2019 - 07:37

 - Năm 2018, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả khá tốt, chất lượng đào tạo có bước tiến bộ, đặc biệt là đã gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều lao động học nghề xong đã tự tìm được việc làm tại địa phương hoặc được tư vấn giới thiệu việc làm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 424 lớp đào tạo nghề cho 12.000 học viên (đạt 100% kế hoạch năm), với kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trên 9,9 tỷ đồng. Trong đó lĩnh vực phi nông nghiệp tổ chức 238 lớp, đào tạo nghề cho 6.617 học viên, lĩnh vực nông nghiệp tổ chức 186 lớp đào tạo nghề cho 5.383 học viên. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ 7 mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn 7 địa phương như: An Phú, Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên, với kinh phí hỗ trợ 84 triệu đồng. Từ các nguồn hỗ trợ, tại một số địa phương đã nổi lên một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, có khả năng nhân rộng. Đó là mô hình chăn nuôi heo ở huyện An Phú; mô hình nuôi lươn không bùn tại TP. Châu Đốc. Các mô hình phi nông nghiệp như: xây dựng dân dụng, may công nghiệp ở 4 địa phương đã chủ động ký hợp đồng 3 bên. Trong đó trách nhiệm của doanh nghiệp là tuyển dụng lao động sau khi học xong với mức lương khởi điểm từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, đồng thời bao tiêu sản phẩm do người lao động làm ra, hỗ trợ máy móc, thiết bị, cán bộ kỹ thuật và nguyên liệu thực hành.

Tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động

Năm 2018, tỉnh đã tổ chức 30 lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của 5 doanh nghiệp, với 1.050 học viên. Người lao động sau khi học nghề được doanh nghiệp bố trí việc làm tại doanh nghiệp chiếm trên 90%. Bên cạnh những mặt làm được cũng cần nhìn nhận các hạn chế của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bởi, một số địa phương chưa quan tâm gắn đào tạo nghề với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Chương trình và thời gian đào tạo ở một số lớp nghề chưa đảm bảo nên còn tình trạng lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp. Cơ sở đào tạo không thường xuyên kiểm tra, giám sát lớp, kiểm tra đầu ra của học viên nên chất lượng đào tạo ở một số địa phương không cao.

Từ một số hạn chế trên nên trong định hướng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra mục tiêu và một số yêu cầu, đó là: phải tổ chức 461 lớp đào tạo nghề cho 12.000 học viên lao động nông thôn, phấn đấu tối thiểu có trên 80% số lao động sau khi học nghề có việc làm; bồi dưỡng sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho 90 giáo viên, giảng viên. Rà soát nhu cầu đào tạo nghề và tổ chức tư vấn học nghề, việc làm cho trên 15.000 lao động nông thôn, người khuyết tật. Mỗi địa phương và cơ sở đào tạo nghề phải xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm sát với thực tiễn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động sau khi học nghề có thể tự tạo việc làm hoặc được tư vấn, giới thiệu, cung ứng đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Trong quá trình đào tạo nghề, các địa phương cần nghiên cứu và nhân rộng các lớp nghề đào tạo hiệu quả, đào tạo gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, gắn đào tạo với liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn để người lao động tự tạo việc làm hiệu quả. Các phương thức đào tạo và các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện linh hoạt, đa dạng như: đào tạo nghề chính quy tại các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo lưu động tại các xã, thị trấn, kết hợp dạy lý thuyết tại các cơ sở đào tạo nghề với thực hành nghề ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ, mô hình thực hành gắn với hộ dân để người lao động có thêm kinh nghiệm và sự tự tin làm việc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích