Nỗ lực vượt khó năm “Rồng vàng” 2024

16/02/2024 - 07:14

 -  Tại Phiên đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 2024), GS Klaus Schwab (nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF) nhận định, Việt Nam không chỉ là ngôi sao ở khu vực, mà còn đang trong quá trình vươn lên trở thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới. Để đóng góp vào niềm tin đó, An Giang quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Du lịch khởi động ngay từ đầu năm

Kết quả quan trọng

Theo UBND tỉnh, năm 2023 tuy đối mặt nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, An Giang đã vượt qua khó khăn, thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) theo Nghị quyết HĐND tỉnh (riêng bảo hiểm y tế toàn dân đạt 91,88% so chỉ tiêu 92,75%).

Trong điều kiện khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 7,34% (kế hoạch đề ra 7 - 7,5%), cao hơn mức bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 60,55 triệu đồng/năm (tương đương 2.496 USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 41.320 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 1,172 tỷ USD (đều vượt kế hoạch)…

Điểm nhấn là nhiều công trình trọng điểm được tích cực triển khai, như: Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua An Giang), cầu Châu Đốc; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh và các công trình trọng điểm về y tế, văn hóa, giáo dục. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an ninh biên giới được tăng cường…

Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển KTXH, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Quyết tâm phát triển

Năm 2024, Chính phủ xác định chủ đề điều hành là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 168 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024…

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, An Giang tích cực, chủ động, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai nhanh Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KTXH trong thời gian tới. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, tạo động lực tăng trưởng…

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với việc đầu tư nâng cấp dịch vụ mới, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã thu hút du khách ngay từ đầu năm mới. Sau thời khắc giao thừa năm “Rồng vàng”, du khách bắt đầu cho chuyến hành hương đầu năm. “Hơn 10 năm nay, sau giờ giao thừa là gia đình tôi đều về An Giang để viếng Bà Chúa Xứ núi Sam. Đầu năm đi hành hương là việc làm rất ý nghĩa, nên gia đình cố gắng duy trì thói quen này. An Giang có nhiều di tích, nơi hành hương nổi tiếng, nên gia đình tôi luôn chọn An Giang là nơi đến đầu tiên trong năm mới” - chị Phương Anh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Theo thống kê, lượng khách đến các khu, điểm du lịch chính của tỉnh (từ 28 Tết đến hết mùng 3 Tết) khoảng 114.094 lượt, trong đó Khu du lịch núi Sam 60.350 lượt, núi Cấm 27.000 lượt, rừng tràm Trà sư 10.170 lượt, đồi Tức Dụp 16.684 lượt…

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 và tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế biên mậu, kinh tế biên giới. Triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh, trọng tâm thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển thị trường - thu hút đầu tư và tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể.

Ngoài ra, An Giang tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, với mục tiêu hỗ trợ nông dân đạt lợi nhuận bình quân trên 40%, tăng diện tích sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất “thuận thiên”…

Cùng với đó, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, tiếp cận vốn vay, thị trường tiêu thụ...). Mặt khác, tỉnh sẽ mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp cho sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung nhiều giải pháp phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8,5%; thu nhập bình quân đầu người từ 70,27 - 70,88 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội từ 47.867 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,185 tỷ USD; thu ngân sách đạt 7.197 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5 - 1%/năm…

Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mong muốn và tin tưởng các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được năm qua; tăng cường đoàn kết; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên; chung sức, đồng lòng; nỗ lực, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Xây dựng An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

HỮU HUYNH