Gia đình bà Trần Thị Em (thành viên HTX nông nghiệp Tân Phú A1, xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) có 3 công đất sản xuất trong HTX. Vụ đông xuân vừa rồi, mỗi cổ phần góp vốn (900.000 đồng/cổ phần), bà được chia 31.514 đồng, đạt tỷ lệ 3,5%/vụ (3 tháng). Như vậy, nếu tính tỷ suất lợi nhuận trên mỗi tháng, lợi nhuận trên vốn góp của bà đạt tỷ lệ 1,16%/tháng. Trong khi vụ thu đông năm 2021, cứ 1 cổ phần góp vốn, bà được chia 47.622 đồng. Năm nào sản xuất 2 vụ, tỷ suất lợi nhuận/vốn góp thấp hơn nữa.
Từ thực tế này cho thấy, mục tiêu lợi nhuận mà Chính phủ mong muốn nông dân đạt được qua từng mùa vụ (10%/vụ) còn rất xa. “HTX chia lợi nhuận cho thành viên dựa trên tỷ lệ sử dụng các dịch vụ của thành viên. Tôi được chia mức lãi suất này là do tôi sử dụng tất cả các dịch vụ mà HTX cung ứng. Nếu mức độ sử dụng dịch vụ ít thì số tiền lãi ít hơn nữa” - bà Em thông tin.
Bà Em và nhiều thành viên khác của HTX nông nghiệp Tân Phú A1 chia sẻ, 2 năm dịch bệnh, sản xuất gặp khó đã đành, nay dịch bệnh được kiểm soát, sản xuất vẫn tiếp tục gặp khó. Một bao phân DAP năm 2017, 2018 giá chỉ 700.000 đồng (50kg/bao), nay nông dân phải bỏ ra gấp đôi (1,4 triệu đồng/bao) mới mua được. Vật tư tăng cao nhưng giá lúa hàng hóa ở mức trung bình, từ đó đời sống người làm nông nghiệp vô cùng khó khăn.
“Phân bón, xăng dầu tăng giá, kéo theo hàng loạt mặt hàng khác tăng theo. Cụ thể, đó là các loại thuốc dưỡng bông, dưỡng thân, công xịt, công làm đất tăng lên. Các nhu cầu thiết yếu khác, từ chai dầu ăn đến thịt heo, con cá cũng tăng. Giá cả trên thị trường tăng làm cho đời sống gặp nhiều khó khăn” - ông Trần Hồng Sơn (thành viên HTX nông nghiệp Tân Phú A1) chia sẻ.
Giải thích về những lý do làm ảnh hưởng đến mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần góp vốn của thành viên, ông Nguyễn Văn Liếp (kế toán HTX nông nghiệp Tân Phú A1) cho biết, HTX hiện cung cấp dịch vụ bơm tưới, làm đất, vật tư nông nghiệp, giống… cho thành viên. Giá vật tư biến động liên tục nên các dịch vụ mà HTX cung ứng cho thành viên hiệu quả đạt không cao, từ đó chia lời cho thành viên không nhiều. "Chúng tôi đang tìm cách cắt giảm tất cả các chi phí không cần thiết để các dịch vụ cung ứng của HTX cho thành viên được hiệu quả"- ông Liếp nói.
HTX nông nghiệp Tân Phú A1 là một trong 188 HTX nông nghiệp của tỉnh bị tác động rất lớn từ biến động của giá vật tư nông nghiệp. Ngoài HTX nông nghiệp, toàn tỉnh có 823 tổ hợp tác (THT) chịu tác động. Tổng số thành viên của các HTX và THT trên địa bàn tỉnh là 154.952 thành viên, trong đó thành viên THT là 14.902, HTX là 140.050 thành viên. Giá vật tư tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đời sống của nhiều nông hộ.
Để giải quyết bài toán này, trước khi nhà nước có những chính sách điều chỉnh trên cấp độ vĩ mô, ngay trong từng HTX, THT, ban quản trị đã đề ra nhiều giải pháp để nhanh chóng thích ứng. Cụ thể, tiến hành cắt giảm chi phí các khâu không cần thiết. Một số HTX mạnh dạn chuyển đổi các trạm bơm dầu sang bơm điện. Ở dịch vụ làm đất, các HTX đã sắp xếp lại các tổ phục vụ theo hướng ít người, làm đất theo lối cuốn chiếu (làm từ ngoài bờ rào đến cuối tiểu vùng quy hoạch). Đồng thời, mạnh dạn vận động thành viên tham gia hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thông qua mô hình LT123, LT123 plus (mô hình sản xuất nông nghiệp không dấu chân).
“Đối với mô hình này, Lộc Trời đầu tư tất cả chi phí, dịch vụ đầu vào, đồng thời cử cán bộ tham gia cùng nông dân sản xuất. Khi thu hoạch vụ đông xuân, nếu năng suất đạt 8 tấn/ha, Lộc Trời sẽ trả lợi nhuận cố định 23 triệu đồng/ha. Đối với vụ hè thu, nếu năng suất đạt 5,5 tấn/ha, lợi nhuận mà Lộc Trời trả cho nông dân 9 triệu đồng/ha” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) Trần Văn Lô Ba chia sẻ.
Như vậy, nếu tất cả nông dân và HTX trong tỉnh tham gia hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời thực hiện các mô hình thì nông dân không cần lo về giống, vốn và đầu ra, mà chỉ tập trung nâng cao kỹ thuật để mỗi vụ lúa đi qua là mỗi vụ đạt năng suất, chất lượng cao. Ở mô hình LT123, nếu năng suất từng vụ cao hơn năng suất quy định, nông dân sẽ được cộng thêm theo giá thị trường. Nếu năng suất thấp hơn quy định, nông dân vẫn không bị trừ. Đây là mô hình mới trong liên kết nhằm thích ứng với tình hình vật tư nông nghiệp tăng cao.
“Từ thực tế sản xuất những năm qua, đặc biệt trong 3 năm gần đây cho thấy, nếu nông dân sản xuất manh mún, làm theo phong trào thì rất khó có cuộc sống ổn định. Chỉ có tổ chức sản xuất theo hình thức hợp tác, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị thì nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững, đời sống nông dân phát triển tốt” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê khẳng định.
|
MINH HIỂN