Từ nuôi trồng thủy sản
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, những nông dân chuyên sản xuất giống cá tra, nay đã chuyển sang nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác (có thị trường tiêu thụ tốt hơn) như: cá lăng nha, cá hú, cá điêu hồng, cá trạch lấu, thát lát cườm, cá lóc, cá rô...
Đây là những loài cá tiêu thụ mạnh ở thị trường nội địa. Riêng đối những hộ nuôi cá thịt, ngoài việc bán cho các chợ trong và ngoài tỉnh, nông dân còn bán cho các cơ sở chế biến để làm khô, mắm, vì vậy đến nay việc tiêu thụ các loài thủy sản trên địa bàn chưa đến mức cần “giải cứu”.
“Những năm qua, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhờ đa dạng hóa đối tượng nuôi nên khi cá tra gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, các đối tượng thủy sản khác vẫn có thị trường tiêu thụ tốt. Ngoài nuôi cá, bà con nông dân ở các xã: Tân An, Long An, Vĩnh Hòa, Phú Lộc còn nuôi lươn, nuôi ếch, từ đó đã giảm thiểu được rủi ro, bà con vẫn có thu nhập trong lúc dịch bệnh như hiện nay” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng thông tin.
TX. Tân Châu tuy đã đạt chuẩn đô thị loại III nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Cụ thể, diện tích gieo trồng cả năm trên 30.000ha, trong đó diện tích nuôi thủy sản 200ha. Tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 14.000 tấn, có thế thấy TX. Tân Châu là địa phương có thế mạnh trong ương nuôi cá tra giống. Nghề này đã được hình thành từ những năm 1960 của thế kỷ XX; thời gian gần đây nghề nuôi cá tra gặp khó, một số hộ chuyên ương nuôi cá tra giống đã chuyển đổi đối tượng làm giống, chờ cơ hội để quay trở lại với con cá tra.
Hiện nay, giá bán của các loại thủy sản trên vẫn giữ được mức ổn định, do nhu cầu của người dân tăng cao, nông dân có lợi nhuận. Riêng mặt hàng lươn nuôi của bà con tại khu vực biên giới, giá bán tốt hơn so với trước đây. “Hiện nay, thông tin được lan truyền trên internet rất nhanh, nông dân chúng tôi theo dõi rất sát tình hình, cũng như những diễn biến lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19. Từ việc nắm bắt thông tin, chúng tôi chủ động hơn trong sản xuất” - Chi hội trưởng cá giống Hoàn Thành (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) Trần Thanh Hoàng chia sẻ.
Đến các sản phẩm trồng trọt
Trên lĩnh vực trồng trọt, ngoài cây lúa, các loại rau màu khác, bà con đã chủ động hơn trong khâu tiêu thụ, cụ thể như cây ớt. Đây là loại cây được bà con trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và bán tại thị trường nội địa. Khi dịch bệnh xảy ra, Trung Quốc đóng cửa biên giới, việc xuất khẩu ớt gặp khó khăn. Không còn tâm lý trông chờ và ỷ lại vào nhà nước, nông dân trên địa bàn TX. Tân Châu đã thu hoạch ớt, mang đi phơi khô, dự trữ để chờ giá. Đây là cách làm sáng tạo nhằm giảm bớt áp lực của thị trường. “Vùng cồn liệt sĩ này trồng ớt rất nhiều. Nếu không hái phơi khô thì khó tiêu thụ. Trái ớt phơi khô có thể trữ lại lâu để chờ giá” - chị Trần Thị Lệ (xã Tân An, TX. Tân Châu) thông tin.
Đối với các mặt hàng nông sản, tình trạng cung, cầu bất nhất thường xuyên xảy ra trên hầu hết các mặt hàng, vì vậy những năm gần đây, cùng với chính quyền địa phương, nông dân trên địa bàn đã cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới, để sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt hơn, giúp người nông dân giảm đi nỗi lo về khâu tiêu thụ. Các hợp tác xã trên địa bàn được quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, các dịch vụ phục vụ sản xuất được chú trọng. Bằng hình thức liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm, góp phần làm cho sản xuất đạt hiệu quả hơn.
“Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục nâng chất các hợp tác xã trên địa bàn. Ngoài cây lúa, chúng tôi sẽ vận động nông dân cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác trên đối tượng cây xoài, rau màu xuất khẩu. Việc làm này nhằm gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ. Có như vậy thì chương trình tái cơ cấu trong ngành nông nghiệp trên địa bàn thị xã mới mong đạt hiệu quả cao hơn” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê chia sẻ.
“Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn như hiện nay, nhằm giúp nông dân chủ động trong sản xuất, ngành nông nghiệp TX. Tân Châu đã lên kế hoạch nạo vét kênh, mương; duy tu sửa chữa cống. Đồng thời, nâng cấp, gia cố đê bao để chủ động cho sản xuất cả năm, cụ thể, chúng tôi đã lên kế hoạch nạo vét kênh Tân An (đoạn từ cầu An Lôi Thôi đến UBND xã Tân Thạnh), nạo vét rọc Trầm Thủy (xã Châu Phong), gia cố sạt lở đê bờ Bắc kênh 26-3 và nhiều công trình khác với tổng kinh phí ước trên 5 tỷ đồng” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng chia sẻ.
|
MINH HIỂN