Từ cây dưa lưới
Đi đầu trong phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn TX. Tân Châu thời gian qua, trước hết phải kể đến nông dân các xã: Vĩnh Xương, Phú Lộc, Tân Thạnh, Vĩnh Hòa, Tân An, Long An, Phú Vĩnh. Ba năm trước, thấy triển vọng của các loại cây ăn trái như: dưa lưới, xoài cát Hòa Lộc, xoài keo, xoài Vĩnh Hòa, bưởi da xanh, cam xoàn… trên thị trường xuất khẩu, nông dân các địa phương nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị xuất khẩu, nhờ vậy đời sống của nông hộ phát triển nhanh, gia đình có được tiền lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Nông dân Tân Châu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
“Bà con chọn xoài cát Hòa Lộc, xoài keo, bưởi da xanh để chuyển đổi, tôi chọn cây dưa lưới để làm kinh tế. Ban đầu, tôi sản xuất dưa lưới trên diện tích 1.000m2, 1 vụ dưa 75 ngày và mỗi công dưa cho 3 tấn trái. Giá bình quân 31.000 đồng/kg. Doanh thu mỗi công dưa lên đến 93 triệu đồng, trong đó lợi nhuận mỗi công gần 50 triệu đồng, so với lúa thu nhập của dưa rất cao” - ông Hồ Thanh Tuấn (nông dân trồng dưa lưới xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) phân tích. Ban đầu, ông Tuấn chỉ trồng 1 công dưa. Về sau, thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Tuấn đã nâng diện tích nhà màng lên 2 công (2.000m2) và mỗi năm trồng được 3-4 vụ. Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác, trái dưa lưới của ông Tuấn trồng có màu sắc rất đẹp. Dưa có vị ngọt thanh và thơm nên người tiêu dùng rất thích, sản phẩm dưa lưới của ông Tuấn được Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) bao tiêu sản phẩm. Làm ăn có lãi, ông Tuấn đã hướng dẫn bà con nông dân khác làm theo để cuộc sống khấm khá hơn.
“Cái hay của mô hình là đầu ra rất ổn định, bởi đã có HTX bao tiêu sản phẩm. Ông Tuấn đã sử dụng nhà màng để trồng dưa, vì vậy hạn chế được sâu bệnh. Sâu bệnh ít, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng được hạn chế, từ đó sản phẩm làm ra an toàn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, ông Tuấn là người luôn chia sẻ với cộng đồng về kinh nghiệm trồng dưa, thị trường tiêu thụ” - Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Lê Trọng Oanh thông tin.
Đến xoài xuất khẩu
Ngoài cây dưa lưới, cây trồng kế tiếp được nông dân Tân Châu chọn trồng nhiều là cây xoài, với nhiều giống khác nhau như: xoài cát Hòa Lộc, xoài keo, xoài 3 màu và xoài thơm Vĩnh Hòa. Để đầu ra ổn định, nông dân xã Vĩnh Xương đã cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX kiểu mới, từ đó HTX Xoài VietGAP Vĩnh Xương ra đời. “Kể từ khi tham gia vào HTX đến nay, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định, nông dân không lo đầu ra như trước vì đã có đơn vị bao tiêu. Thông tin xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu đi Hoa Kỳ ngày 18-5-2019 làm nông dân vui mừng, bởi có xuất khẩu thì đầu ra càng thêm ổn định và giá cả mỗi vụ sẽ tốt hơn. Dù thị trường Hoa Kỳ rất khắt khe trong việc kiểm dịch sản phẩm xoài tươi nhập vào quốc gia nhưng dù khó cỡ nào chúng tôi cũng đáp ứng được” - ông Trần Văn Nam (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.
3 giống xoài chủ lực được nông dân Tân Châu trồng là xoài cát Hòa Lộc, xoài keo và xoài thơm Vĩnh Hòa. Trong đó xoài thơm Vĩnh Hòa là giống xoài đặc sản của địa phương, tiêu thụ rất mạnh ở thị trường nội địa với giá bán khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Vào mỗi dịp Tết, giá tăng lên 60.000 đồng/kg. “Cây xoài keo có lợi thế rất lớn ở vùng đất này bởi giống xoài này vừa ăn sống, vừa ăn vào lúc chín, nó còn được sử dụng để ép nước xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa. Xoài dễ trồng, năng suất cao, đối với xoài 3-4 năm tuổi, bình quân 3-5 tấn/ha. Vụ vừa rồi, giá bán 7.000-8.000 đồng/kg, từ đó đời sống nông dân khấm khá” - ông Dương Văn Na (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Bài, ảnh: MINH HIỂN