Nông dân trồng lúa mùa nổi ở Tri Tôn thắng đậm

25/12/2022 - 17:52

 - Chiều 25/12, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (TP. Hồ Chí Minh) đã tham quan mô hình lúa mùa nổi ở hai xã Vĩnh Phước và Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang); trao đổi với nông dân về ý tưởng nâng cao giá trị mô hình “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp".

Cánh đồng lúa mùa nổi xã Vĩnh Phước

Cây lúa mùa nổi sau khi nước rút dài đến hơn 3m

Nghiên cứu bông lúa mùa nổi

Năm nay, lần đầu tiên lúa mùa nổi được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp

Bông lúa mùa nổi vươn cao

TS Trần Minh Hải trao đổi với nông dân Nguyễn Văn Tồn canh tác 5,5ha lúa mùa nổi

Nông dân phơi lúa sơ bộ trước khi giao cho Tập đoàn Lộc Trời

TS Trần Minh Hải nghiên cứu bông lúa "Nàng tây đùm"

Năm nay, lúa mùa nổi “trúng mùa, trúng giá”

TS Trần Minh Hải đã đến tham quan những cánh đồng canh tác giống lúa mùa nổi "Nàng tây đùm" và giống lúa "Chệt cụt", để có sự so sánh hiệu quả giữa 2 giống lúa. Theo chia sẻ của nông dân, vụ lúa mùa nổi năm nay, giống lúa "Nàng tây đùm" cho năng suất tốt, khoảng 280-300kg/1.000m2, hạt lúa vàng đẹp; trong khi giống lúa "Chệt cụt" cho năng suất khoảng 240-250kg/1.000m2, hạt lúa có màu hơi tối và chất lượng vào gạo không bằng giống lúa nàng tây đùm.

Vụ lúa mùa nổi năm 2022, nông dân hai  xã Vĩnh Phước và Lương An Trà tăng diện tích xuống giống 119ha. Toàn bộ sản lượng lúa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng thu mua với giá cố định 16.000 đồng/kg (thônh qua Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước). Nông dân hợp tác trồng lúa mùa nổi đạt thu nhập khoảng 5 triệu đồng/công (1.000m2), hiệu quả cao hơn nhiều so canh tác lúa cao sản thông thường. Sau khi thu hoạch lúa mùa nổi, nông dân tận dụng rơm rạ từ thân lúa canh tác khoai mì, cho hiệu quả cao.

Qua tham quan thực tế và trao đổi với nông dân, TS Trần Minh Hải cho biết, sẽ đề xuất nghiên cứu, cùng các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia tổ chức hội thảo, nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình canh tác lúa mùa nổi.

Theo đó, ngoài bán sản phẩm lúa, xây dựng thương hiệu lúa mùa nổi và tận dụng đất canh tác hoa màu, nông dân có thể tham gia kinh doanh du lịch sinh thái (tái hiện khung cảnh mùa nước nổi, trải nghiệm thu hoạch, thưởng thức đặc sản đồng quê…), xuất khẩu rơm an toàn sang Nhật Bản, sản xuất nấm rơm sạch với giá trị cao…

NGÔ CHUẨN