Chăn nuôi khoa học
Anh Lê Trường Sơn cho biết, năm 2021, anh được tham quan mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng tại một trang trại ở tỉnh Lâm Đồng. Nhận thấy giống gia cầm này có nhiều tiềm năng phát triển, địa phương chưa ai thực hiện nên anh quyết định xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình.
“Hai năm trước, gia đình tôi nhập khoảng 1.000 con gà Ai Cập giống từ TP. Hà Hội. Con giống được vận chuyển bằng đường hàng không, đến sân bay Cần Thơ rồi mình thuê xe vận chuyển về. Đây là giống gà có năng suất đẻ trứng cao, sức đề kháng và khả năng chống chịu bệnh tốt” - anh Sơn chia sẻ.
Sản phẩm trứng gà Ai Cập của gia đình anh Lê Trường Sơn vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện Châu Phú
Nhờ sự chịu khó, ham học hỏi, anh Sơn tự trang bị thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ thuật chăn nuôi giống gà mới này. Theo lời anh, để lứa gà mới thả nuôi đạt tỷ lệ sống cao, đến khi trưởng thành thể trạng tốt, cho sinh sản nhiều, thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, cần nhập giống ở nơi có uy tín, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, nguồn thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trong quá trình nuôi cần phải tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng ngừa các bệnh nguy hiểm, như: Dịch tả, cầu trùng, đặc biệt là cúm cho đàn gà theo định kỳ. Ngoài ra, công tác vệ sinh chuồng trại cũng được anh Sơn duy trì, thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy, đàn gà của gia đình phát triển tốt, không nhiễm bệnh.
Đối với hệ thống chuồng trại, anh Sơn thiết kế khoa học. Với tổng diện tích chăn nuôi khoảng 400m2, anh chia thành các khu vực: Nuôi gà đẻ trứng, nuôi gà bố mẹ và nuôi gà con. Khu vực nuôi gà lấy trứng có diện tích khoảng 150m2, chia thành 3 tầng và được thiết kế theo dạng hình tam giác để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch trứng.
Bên cạnh đó, chuồng được xây dựng trên mặt ao cá, tận dụng phân thải của gà để làm thức ăn cho cá, đồng thời tạo môi trường thoáng mát trong khu vực nuôi. Trong chuồng còn trang bị quạt và đèn chiếu sáng, đảm bảo thoáng mát vào những ngày nóng và giữ ấm cho những tháng lạnh.
Đối với khu vực nuôi gà bố mẹ, anh Sơn áp dụng phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học, sử dụng trấu kết hợp chế phẩm sinh học EM. Nhờ đó, toàn bộ phân gà thải ra được vi khuẩn phân giải, giảm công lao động vệ sinh chuồng trại và mùi hôi, đồng thời giúp gà khỏe mạnh, lớn nhanh, cho năng suất cao. Với phần đệm lót sau khi sử dụng, được dùng để bón cho vườn cây ăn trái của gia đình, tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Hiệu quả khả quan
Nhờ phương pháp chăn nuôi khoa học, đàn gà Ai Cập của gia đình anh Lê Trường Sơn phát triển tốt, cho sản lượng trứng cao, chất lượng đảm bảo. “Giống gà này nuôi khoảng 4 tháng có thể đẻ trứng. Từ tháng thứ 5 sẽ bước vào giai đoạn đẻ nhiều, hầu như ngày nào cũng có trứng để thu hoạch, cho thu nhập cao và nhanh thu hồi vốn” - anh Sơn chia sẻ.
Mô hình được anh Sơn thiết kế, xây dựng bài bản, thuận lợi cho việc chăm sóc
Từ 1.000 con gà ban đầu, đến nay, số lượng gà Ai Cập của anh Sơn tăng lên 3.000 con, gồm gà lấy trứng và gà bố mẹ. Trung bình mỗi ngày, anh thu hoạch khoảng 800 trứng. Đặc điểm trứng gà Ai Cập là to, chất lượng cao hơn so với các loại gà thông thường nên được thị trường ưa chuộng, giá bán từ 28.000 - 40.000 đồng/chục. Dù chỉ tiêu thụ mối quen ở chợ, quán ăn, cửa hàng tạp hóa… nhưng số lượng vẫn không đáp ứng được nhu cầu.
“Tiềm năng của mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng khá cao. Sản lượng trứng thu được hiện không đủ cung cấp cho thị trường. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích chuồng trại, phát triển đàn gia cầm để tăng thu nhập cho gia đình” - anh Sơn thông tin.
Thành công bước đầu từ mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trứng đang mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương, đặc biệt là chăn nuôi. Anh Sơn cũng nhiệt tình hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho những người có nhu cầu học hỏi. Mới đây, anh được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời. Từ đó, giúp chủ động trong chăn nuôi, tiết kiệm chi phí.
ĐỨC TOÀN