Nuôi lươn an toàn sinh học

12/11/2024 - 07:20

 - Hợp tác xã (HTX) Thương mại - dịch vụ - nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú) mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi lươn trong bồn bạt theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển kinh tế từ nuôi lươn an toàn sinh học

Ông Nguyễn Hải Vương (Giám đốc HTX) cho biết, trước đây, nguồn lươn giống ngày càng khan hiếm, khó mua được lươn giống chất lượng về nuôi. Vì vậy, năm 2019, sau 4 năm nuôi lươn thương phẩm thành công, ông Vương nuôi thử nghiệm 3 bồn lươn giống. Trong thời gian này, ông cố gắng học hỏi những người nuôi trước, tìm hiểu thêm thông tin từ sách báo, ứng dụng vào mô hình của gia đình. Đợt thu hoạch lươn giống đầu tiên thành công, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình. Từ đó, ông chủ động về con giống, giúp mô hình nuôi lươn hoàn toàn khép kín từ đầu vào đến đầu ra.

Thành công của ông Vương góp phần giúp HTX Thương mại - dịch vụ - nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây được thành lập. Đơn vị vận động, tuyên truyền nông dân học kỹ thuật chăn nuôi lươn thương phẩm, nuôi lươn sinh sản... giúp bà con chuyển dần mô hình sản xuất chăn nuôi riêng lẻ, sang liên kết sản xuất. Lợi ích ban đầu là các thành viên có thể tương trợ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi lươn; được giới thiệu vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú, thêm điều kiện đầu tư và mở rộng việc nuôi lươn.

Hiện nay, HTX có 10 thành viên nuôi lươn với 25 bồn nuôi. Tất cả được hướng dẫn kỹ, nắm vững các kỹ thuật, như: Xử lý môi trường nước, kỹ thuật ươm con giống, chăm sóc… Mô hình nuôi lươn giống trong bồn phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, không đòi hỏi diện tích lớn, có thể tận dụng đất xung quanh nhà. Vốn đầu tư cho mô hình cũng không quá cao. Người nuôi thuận tiện quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng và phát triển của lươn, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị. Lươn nuôi lớn đều và nhanh hơn, đến lúc thu hoạch dễ dàng, ít tốn nhân công, chi phí so cách nuôi truyền thống.

Ông Nguyễn Hải Vương cho biết: “Nuôi lươn trong bồn bạt áp dụng theo hướng an toàn sinh học sẽ có nhiều lợi thế hơn. Nuôi trong bùn khó kiểm soát đầu con, chăm sóc và thu hoạch cũng khó hơn. Ngoài ra, mỗi năm mất lượng bùn khá lớn, tốn công và chi phí xử lý, làm giảm lợi nhuận. Còn nuôi lươn không bùn theo hướng an toàn sinh học phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, chọn thức ăn, thuốc sử dụng đúng liều lượng, đúng quy trình... thì lươn mới phát triển tốt và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.

Lươn giống của HTX Thương mại - dịch vụ - nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây không chỉ cung cấp cho hộ nuôi trong và ngoài địa phương, mà còn đến nhiều tỉnh, thành phố, như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ. Hiện nay, ngoài bán lươn thương phẩm và lươn giống, HTX được các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ kỹ thuật sản xuất khô lươn, hướng đến công nhận sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng thu nhập.

Đây là một trong những mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới, bền vững trong chăn nuôi, cần được nhân rộng để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập nông dân trên địa bàn. Mô hình được Hội Nông dân huyện Châu Phú đánh giá cao, tuyên dương tại Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của huyện.

TRỌNG TÍN