Lai tạo giữa "ong nội" và "ong ngoại"
Đất vườn rộng, cây ăn trái nhiều là lợi thế để ông Bá triển khai mô hình nuôi ong lấy mật. Đây là mô hình mới, nhiều tiềm năng phát triển. Ông Bá cho biết, nghề nuôi ong vừa dễ mà lại khó; phải am hiểu đặc tính của ong; kiên trì, chịu khó và đầu tư kỹ thuật mới có thể thành công. Thức ăn chính của ong là mật hoa. Vì thế, trước hết tìm địa điểm thích hợp, không gian rộng rãi, sạch sẽ, nhiều nguồn cung cấp mật, phấn hoa. Môi trường nuôi không bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, hóa chất độc hại…
Ngoài ra, thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, ong rất nhạy cảm với hóa chất độc hại có trong thuốc bảo vệ thực vật, nên lưu ý không dựng trại ong gần vùng trồng lúa, rau, hoa màu. Bởi ong sẽ bị ngộ độc hoặc chết vì hút phải mật tại ruộng phun thuốc bảo vệ thực vật (kể cả liều lượng rất ít).
Mô hình nuôi ong đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Bá
Điểm nhấn nổi bật trong mô hình nuôi ong của ông Bá là lai tạo thành công giữa “ong nội địa” và “ong ngoại” (ong Ý). Ông Bá cho biết, “ong nội” có nguồn gốc trong nước, ít dịch bệnh, dễ nuôi, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là sản lượng mật thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Trong khi đó, “ong ngoại” có nhiều ưu điểm vượt trội, như: Tính tụ đàn cao, thế đàn đông, di chuyển xa, lượng mật thu được nhiều, cho giá trị kinh tế cao hơn. Dù vậy, “ong ngoại” khó thích nghi với điều kiện thời tiết địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung, khó phát triển đàn. Từ những ưu, khuyết điểm trên, ông Bá quyết định phối 2 loại ong này, tạo ra giống mới mang ưu điểm của bố - mẹ. Trong đó, ong chúa được sử dụng là ong Ý.
Thời gian đầu, việc phối giống gặp nhiều khó khăn, do tập tính sinh hoạt của các loại ong khác nhau. Sau nhiều lần kiên trì quan sát, học hỏi thêm kiến thức từ mạng xã hội, kinh nghiệm từ người đi trước, việc phối giống thành công ngoài mong đợi. Lứa ong F2 của ông Bá cho sản lượng mật nhiều, chất lượng đảm bảo; ong thích nghi tốt với điều kiện địa phương…
Phát triển sản phẩm OCOP
Với phương pháp nuôi bài bản, khoa học, từ một vài thùng ong ban đầu, đến nay, ông Bá mở rộng đàn lên 80 thùng. Khi được hỏi về cơ duyên gắn bó với loại vật nuôi này, ông Bá cho biết: “Tôi bắt đầu nuôi từ năm 2017. Thời điểm đó, tôi đang điều trị bệnh, bác sĩ khuyên thường xuyên sử dụng mật ong để cải thiện sức khỏe. Từ lời khuyên đó, thấy địa phương trồng nhiều cây ăn trái nên tôi nảy ra ý định bắt ong về nuôi lấy mật, vừa hỗ trợ điều trị bệnh cho bản thân, vừa cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho gia đình”.
Nghĩ là làm, ông Bá đi khắp nơi tìm tổ ong thiên nhiên về nuôi. Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm, ong chúa bắt về thường đi mất. Không bỏ cuộc, với tiêu chí “lấy số lượng bù chất lượng”, ông tiếp tục tìm bắt tổ ong về nuôi. Dần dần, những con ong chúa chịu “gắn bó” với gia đình. Cũng từ đây, việc nuôi ong dần thuận lợi, đàn ong ngày càng được nhân rộng.
Định hướng đưa mật ong phát triển sản phẩm OCOP
Hiện nay, mỗi tháng, ông Bá thu khoảng 50 lít mật ong. Những lúc cao điểm, khi các vườn cây ăn trái của địa phương ra hoa, sản lượng mật thu được nhiều hơn, từ 70 - 80 lít mật, giá bán 800.000 đồng/lít. Mô hình đã đem lại thu nhập khả quan cho gia đình. “Thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng mô hình. Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống khi người dân địa phương có nhu cầu” - ông Bá chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phú Đông Bùi Nhất Linh cho biết, mô hình nuôi ong của ông Lý Văn Hùng Bá bước đầu mang lại hiệu quả cao. Địa phương đang có kế hoạch phối hợp để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, nhân rộng mô hình.
Ông Phan Thanh Tùng (Hội Nông dân huyện Thoại Sơn) đánh giá, ông Bá là nông dân nhiệt tâm với nghề nuôi ong lấy mật, kiên trì tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. “Hội Nông dân huyện kiến nghị các ngành chuyên môn hỗ trợ ông Bá hồ sơ, thủ tục phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Từ đó, giúp quảng bá, đưa sản phẩm mật ong mở rộng thị trường” - ông Tùng thông tin.
Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Lý Văn Hùng Bá mở ra hướng đi mới cho việc phát triển nông nghiệp, góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
ĐỨC TOÀN