Cuối năm 1962 đến 1967, Tỉnh ủy An Giang chọn nơi đây làm căn cứ đứng chân để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Một tuyến phòng thủ mạnh được xây dựng bằng hàng rào, bãi chông, các loại mìn. Cùng với lòng can đảm, cán bộ, chiến sĩ dựa lưng vào địa hình hiểm trở của núi rừng để bám trụ chiến đấu. Điện Trời Gầm - một hang sâu rộng rãi, kiên cố, dễ phòng thủ, khó tấn công - được chọn làm Văn phòng. Xung quanh đó là Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Thông tin - Cơ yếu, Ban Binh vận, Ban An ninh, Đội Hỏa tốc…
Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ô Tà Sóc còn là căn cứ của các lực lượng cách mạng huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Từ năm 1969, nơi đây là địa điểm dừng chân và hợp đồng chiến đấu của các Trung đoàn chủ lực từ miền Đông chi viện cho miền Tây Nam Bộ. Năm 1968 đến 1971, Ô Tà Sóc là căn cứ của phân ban Tỉnh ủy An Giang, do đồng chí Vũ Hồng Đức (Mười Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh An Giang) phụ trách. Giai đoạn năm 1972 đến ngày 30-4-1975, Tỉnh ủy Châu Hà và Long Châu Hà cũng có thời gian chọn Ô Tà Sóc làm căn cứ kháng chiến.
Bức phù điêu lớn đặt dưới chân Ô Tà Sóc
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Lương Phi, từ Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy chỉ đạo các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh đẩy mạnh 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) diệt ác, phá kềm, chống địch bình định, gom dân, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược và đẩy mạnh hoạt động vũ trang chống các cuộc tấn công càn quét, phục kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch mở rộng vùng giải phóng. Có thể nói, nơi đây là trung tâm chỉ huy đấu tranh cách mạng của tỉnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, là nơi lực lượng cách mạng bám trụ chiến đấu kiên cường, đánh bại nhiều trận càn quét của địch, ghi dấu hàng loạt chiến công chói lọi.
Điển hình như đầu năm 1963, quân ta đánh địch ở Ô Cạn, làm chết và bị thương 12 tên, bắn hư 1 xe M113, thu nhiều vũ khí. Tháng 2-1963, tấn công địch ở Ba Chúc, Lương Phi, tiêu diệt 2 đại đội, tấn công ấp chiến lược Lương An Trà, đánh tan đại đội 360 biệt động quân, thanh niên chiến đấu và trung đội bảo an 816… Ngày 22-2-1971, địch huy động 3 tiểu đoàn biệt động quân và 1 thiết đoàn xe M113, có máy bay ném bom, pháo yểm trợ mở cuộc tấn công ác liệt vào Ô Tà Sóc, Ô Cạn. Trong 4 ngày tấn công liên tục, địch sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại nhất nhằm chiếm cho được núi Dài. Có ngày, địch câu 40 lượt bom xăng lỏng, thả xuống đốt Ô Tà Sóc để phá hủy địa hình...
Những dấu tích của khu căn cứ năm xưa
Suốt những năm tháng chiến tranh, hàng trăm trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra. Lực lượng cách mạng một lòng bám vào địa hình rừng núi hiểm trở, dùng chính tính mạng của mình làm hàng rào lửa ngăn bước tiến quân thù. Tôi có nhiều dịp nghe các cựu chiến binh kể về thời chiến đấu khói lửa ở Ô Tà Sóc. Trong cuộc chiến không cân sức với quân địch, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Tháng 9-1970, máy bay Mỹ đã dùng loại đạn đặc biệt bắn vào hang đá tại đồi Ma Thiên Lãnh, làm gãy 1 phiến đá lớn lấp kín miệng hang cùng 7 chiến sĩ đang chốt trong đó. Họ được xác định là Đỗ Văn Tứ (Thái Nguyên), Đào Ngọc Kính và Nguyễn Văn Hào (Hưng Yên), Nguyễn Văn Thuấn và Nguyễn Văn Thể (Hà Nam), Nguyễn Văn Thạo và Tuấn (không rõ họ, quê Hải Phòng), thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Đoàn E61c. Sau 41 năm nằm trong hang sâu bảo vệ yên bình cho ngọn đồi, họ được quy tập hài cốt, trở về quê hương xứ sở, nhưng mãi để lại cho đời một hình ảnh bất diệt, nhắc nhở giá trị lớn lao của hòa bình hôm nay.
Đến Ô Tà Sóc một ngày nắng hanh hao giữa tháng 4, chúng tôi chỉ thấy một màu xanh đẹp mắt, bình yên của rừng tầm vông, màu vàng đồng vững chãi của bức phù điêu dưới chân Ô Tà Sóc, những mái nhà nhỏ của người dân nép mình bên dòng suối cạn. Chiến tranh đã lùi sâu vào dĩ vãng, tựa như chưa từng tồn tại, chỉ còn chăng là những điện Trời Gầm, hang Quân y, chốt tiền tiêu… được gìn giữ, chào đón khách xa gần đến tham quan, tìm hiểu về nguồn.
Ngày 28-12-2001, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đây được xem như một sự tri ân, ghi nhận những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ người dân Lương Phi và mọi miền đất nước đã từng sống, chiến đấu, hy sinh tại địa danh này để góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 23-4 vừa qua, UBND huyện đã làm lễ khởi công công trình cải tạo, nâng cấp khu di tích, với các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà quản lý, hội trường... |
KHÁNH HƯNG