Phân công nhiệm vụ năm 2023

06/01/2023 - 04:03

 - Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 từ 7-7,5%, đòi hỏi nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN) và người dân. Trong đó, các lĩnh vực thế mạnh của An Giang càng phải phấn đấu nhiều hơn.

Tập trung cho nông nghiệp

 

Trong tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ấn tượng của năm 2022 (đạt 6,87%, trong khi kế hoạch đề ra là 5,2%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp quan trọng với mức tăng trưởng 3,16% - cao nhất trong hàng chục năm qua. Ngành nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ, động lực thúc đẩy tăng trưởng; cũng là lĩnh vực được tỉnh quan tâm đặc biệt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2023, ngành tiếp tục triển khai Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã; xây dựng kênh cung cấp thông tin thường xuyên, dự báo thị trường nông sản tới các cấp, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhằm định hướng sản xuất, tiêu thụ nông sản, kịp thời điều phối, kết nối tiêu thụ nông sản cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.

Một trong những điểm sáng của ngành nông nghiệp An Giang là diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ với DN liên tục tăng qua từng năm. Nhằm hướng đến liên kết bền vững, ngày 29/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động 06-CTr/TU về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, cùng với tập trung triển khai Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngành nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với thực hiện mô hình kinh tế hợp tác của hợp tác xã kiểu mới, liên kết DN từ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đạt chỉ tiêu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, tỉnh còn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho cán bộ quản lý và chủ thể sản xuất. Những sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngay từ vùng nguyên liệu thế mạnh của từng địa phương, nâng cao thu nhập và đời sống người dân nông thôn.

Khai thác thương mại, dịch vụ, du lịch

Với dân số lớn nhất khu vực ĐBSCL và lượng du khách đến tỉnh cao gấp 4 lần dân số, An Giang là thị trường hấp dẫn về tiêu thụ hàng hóa. Năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh đạt 92.400 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2021. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, năm 2023, tỉnh sẽ hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, mời gọi nhà đầu tư thương mại, dịch vụ uy tín, có chất lượng đầu tư dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động, chương trình phát triển thương mại điện tử phù hợp với xu thế phát triển; tiếp tục hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh xây dựng website, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ, quán ăn, nhà hàng…

Bên cạnh phát triển thị trường nội địa, An Giang còn tăng cường xúc tiến xuất khẩu theo hướng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Trong nỗ lực phát triển hệ thống logistics nói chung, tỉnh tập trung giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics chuyên ngành vận tải; khuyến khích thương nhân tham gia các loại hình kinh doanh dịch vụ logistics. An Giang tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong và ngoài tỉnh xuất, nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Campuchia, qua cửa khẩu quốc tế của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối với các tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan ngoại giao để hỗ trợ DN xuất khẩu của tỉnh.

Đối với thế mạnh du lịch (DL), tỉnh tiếp tục quảng bá hình ảnh và con người An Giang trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đồng thời, hợp tác phát triển DL giữa An Giang và Cụm liên kết hợp tác, phát triển DL phía Tây vùng ĐBSCL; Chương trình liên kết phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL; tăng cường hợp tác văn hóa, DL giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh xây dựng tour, tuyến DL tiêu biểu, kết nối các điểm DL đặc sắc của vùng, An Giang tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm DL mới, góp phần làm phong phú loại hình, sản phẩm DL, gia tăng giá trị của sản phẩm DL. Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng DL; huy động nguồn lực xã hội hóa, đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của khách DL.

Điểm nhấn quan trọng của năm 2023 là dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên sẽ hoàn thành giai đoạn 1, trong khi dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức tốt Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023.

 

NGÔ CHUẨN