Phát huy lợi thế mùa lũ, tạo sinh kế bền vững vùng thượng nguồn ĐBSCL

30/05/2023 - 08:13

 - Biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng thượng nguồn như Đồng Tháp, An Giang nói riêng. Nhờ sự hỗ trợ của Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD-ICRSL), sinh kế mùa lũ, nhất là 2 vụ lúa - 1 vụ cá được xem là mô hình hiệu quả, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân vào mùa nước nổi.

Mùa nước lũ về không chỉ mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, còn còn mang theo nhiều “sản vật” có giá trị, như cá, tôm, ốc, cua... và các loại rau đồng thủy sinh. Cùng với An Giang, tận dụng lợi thế đầu nguồn này, từ sự hỗ trợ của Dự án MD-ICRSL, người dân Đồng Tháp đã triển khai loại hình sinh kế, giúp tăng thu nhập ổn định.

Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (ICRSL Đồng Tháp), thuộc Dự án MD-ICRSL, đã được tỉnh Đồng Tháp phê duyệt từ tháng 10/2018, triển khai tại 4 huyện, thành phố với tổng diện tích 115 ha, gồm: Huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và TP. Hồng Ngự.

Mô hình 2 vụ lúa – 1 vụ cá triển khai tại Đồng Tháp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Có 12 mô hình và 5 loại hình sinh kế của Tiểu dự án, gồm: 8 mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ cá, còn lại là mô hình 2 vụ lúa -1 vụ tôm, mô hình 2 vụ lúa+vịt - 1 vụ cá, mô hình 2 màu – 1 cá và mô hình lúa mùa – tôm/cá. Theo đánh giá của Ban Quản lý Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp, trong loại hình sinh kế nói trên, 2 vụ lúa- 1 vụ cá được xem là mô hình đem lại hiệu quả cao trong hoạt động nuôi, nhử cá mùa lũ tại Đồng Tháp.

Với mô hình này, bình quân tổng lợi nhuận đạt 50,7 triệu đồng/ha/năm, trong đó sản xuất lúa cho lợi nhuận 42 triệu đồng/ha, cá cho lợi nhuận 8,7 triệu đồng/ha. So với ngoài mô hình, tổng lợi nhuận tăng 20,1 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng 11,4 triệu đồng/ha, do áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào, sản xuất giống, liên kết tiêu thụ đầu ra…; lợi nhuận từ việc nuôi, trữ cá tăng 8,7 triệu đồng/ha.

Theo Ban Quản lý Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp, loại hình sinh kế 2 lúa – 1 cá là phổ biến nhất trong vùng dự án vì tương đối dễ thực hiện, với nền sản xuất cơ bản là 2 vụ lúa sẽ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, được chứng nhận VietGAP để liên kết tốt trong tiêu thụ, nâng cao hiệu quả. Với loại hình sinh kế này, tùy điều kiện ruộng, hạ tầng cơ sở sẵn có, khả năng đầu tư, kỹ thuật, lao động, nông dân có thể nuôi hoặc trữ cá tự nhiên vào mùa lũ để có thêm thu nhập, tạo điều kiện trữ lũ, thoát lũ theo mục tiêu dự án.

Thêm nguồn lực cho ĐBSCL

Vùng ĐBSCL hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở… Để tăng cường nguồn lực ĐBSCL, vừa qua, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo đề xuất dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (WB11). Hội thảo do thứ trưởng Bộ N&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Điều hành hoạt động của WB đồng chủ trì, với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh của khu vực ĐBSCL.

Theo tổng hợp đề xuất của Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO Thuỷ lợi), Dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Mới đây nhất, tỉnh An Giang cũng có nguyện vọng được tham gia dự án.

Người dân vùng thượng nguồn ở Đồng Tháp tận dụng mùa lũ để tăng thu nhập

Dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch, từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.

Dự án WB 11 dự kiến với 3 hợp phần: Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin; Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng; Hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.

Về tiến độ triển khai Dự án WB 11, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nỗ lực để tháng 12/2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo WB.

THU HƯƠNG