Phát huy truyền thống ở ngôi trường trung học đầu tiên tại Long Xuyên

16/08/2019 - 05:50

 - Qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu đã vươn lên khẳng định mình, xây đắp nên những truyền thống tốt đẹp và rất đáng tự hào về công tác giáo dục của tỉnh An Giang nói chung, TP. Long Xuyên nói riêng. Đó là “cách mạng - dạy giỏi - học giỏi”.

 Tiền thân của trường là Collège de Long Xuyên, thành lập vào năm 1948. Đây là trường trung học đầu tiên tại tỉnh Long Xuyên ngày xưa (tỉnh An Giang ngày nay). Những thập niên đầu của thế kỷ XX, khi cả dân tộc và đất nước đang chịu sự cai trị, bóc lột nặng nề của chế độ thực dân Pháp xâm lược, thì việc học tập của người dân hay của con em các gia đình là một việc gì đó quá lớn đối với hầu hết các gia đình nông dân.

Vả lại, do mưu sinh hết sức vất vả, giặc dã, chiến tranh, cùng với việc đi lại khó khăn, nên giáo dục của Long Xuyên lúc bấy giờ chưa được phát triển. Con em nông dân theo học ở các trường làng với thầy đồ, hay chỉ học đến bậc tiểu học là xong. Muốn học cao hơn phải xuống Cần Thơ, Mỹ Tho hay lên tận Sài Gòn. Long Xuyên lúc bấy giờ cũng chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ.

Ngoài 2 xã Mỹ Phước và Bình Đức (trung tâm của chế độ cũ) có lượng dân cư tương đối khá, các khu vực chung quanh và vùng phụ cận (từ Bình Đức trở lên, từ Mương Điểm - Mỹ Hòa ngày nay vào thị trấn Phú Hòa - Thoại Sơn, hay vùng phía Đông sông Hậu, huyện Chợ Mới hiện nay) còn rất hoang vắng, dân cư thưa thớt, đa phần đời sống nhân dân còn rất nghèo. Để có một trường trung học thời buổi bấy giờ rất khó. 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xóa nạn mù chữ. Tại Long Xuyên, đến cuối năm học 1947 - 1948, số lượng học sinh ở bậc tiểu học tại Long Xuyên và các vùng lân cận gia tăng, người dân mong muốn con em mình được học cao lên. Với cương vị là Trưởng ty Tiểu học Long Xuyên, thầy Trương Văn Đức đã tích cực vận động để thành lập trường trung học, nhưng bị chính quyền của thực dân Pháp từ chối.

Không từ bỏ ước mơ, thầy Trương Văn Đức tiếp tục tìm mọi cách tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều thầy cô giáo cùng thời và người dân trong tỉnh lỵ, nhất là viên Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Thơ mới nhậm chức (ngày 1-4-1948, là người Long Xuyên), nên mọi việc chuẩn bị được thuận lợi. Để che mắt chính quyền Pháp, ban đầu trường được hình thành trên cơ sở là những dãy nhà trên nền gạch cũ của Trường Nữ tiểu học được dùng để tổ chức hội chợ. Cổng trường được dựng lên đơn sơ với hàng chữ “College De Long Xuyên”, hàng dưới chữ nhỏ “Trường Trung học”. Ngày 12-11-1948, trường khai giảng khóa đầu tiên, có 76 học sinh, chia thành 2 lớp.

Để tri ân và tôn vinh công đức của cụ Thoại Ngọc Hầu - người có công trong việc khai phá vùng đất Tây Nam của Tổ quốc, đào kênh Thoại Hà nối sông Long Xuyên ra biển Tây ở Rạch Giá (Kiên Giang), tháng 2-1952, trường được đổi tên thành Collège Thoại Ngọc Hầu. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, trường có những thay đổi cả về tên gọi và cơ sở vật chất của trường cho phù hợp với tình hình chung.

Đến nay, trường chính thức mang tên Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu. Trường đã trở thành một thương hiệu uy tín của tỉnh về chất lượng dạy và học. Nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh đã phải vượt qua bao khó khăn, gian khổ, cùng chung tay xây dựng nên truyền thống học tập và làm việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quá trình phát triển, trường luôn trân trọng gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp được các thế hệ thầy và trò để lại, trong đó có 2 truyền thống mà ít có trường nào trong tỉnh có được.

Đó là truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trường được xem như là “địa chỉ đỏ” của phong trào đấu tranh học sinh, sinh viên toàn miền Nam, đỉnh điểm là các cuộc biểu tình rầm rộ chống bắt lính, đôn quân của chế độ Mỹ - ngụy.

Nơi đây ghi dấu sự ra đời Chi đoàn Thanh niên lao động (Thanh Lao) năm 1957, với những học sinh ban đầu làm nòng cốt như: Nguyễn Đăng Sơn (Trần Phong Thuần), Phan Văn Tua (Bảy Cường), Nguyễn Minh Hừng (Út Đường)… Sau này, lực lượng nòng cốt của chi đoàn đã trở thành những đội viên của tổ hành động (1959), Đội Biệt động Long Xuyên (1962) với những trận đánh gan dạ, dũng cảm, mưu trí, đánh thẳng sào huyệt của kẻ thù tại trung tâm Long Xuyên, làm cho kẻ thù thiệt hại nặng nề và hoang mang lo sợ.

Học sinh Trường Thoại Ngọc Hầu luôn là lực lượng đi tiên phong trong phong trào đấu tranh cách mạng tại Long Xuyên, mở đường cho việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên trong trường học trên địa bàn Long Xuyên (8-1959).

Đó còn là truyền thống tôn sư trọng đạo. Nếu tính trên địa bàn TP. Long Xuyên hiện nay, duy nhất chỉ có trường là có Niệm Sư Từ (nơi thờ phụng tri ân các thầy cô). Theo lời kể của những bậc cao niên, Niệm Sư Từ được xây dựng vào năm 1943 (trước khi có trường), nằm ở góc đường Đinh Tiên Hoàng với cầu Hoàng Diệu ngày nay.

Lúc đầu, Niệm Sư Từ dùng làm nơi thờ phụng và tỏ lòng biết ơn những thầy cô buổi đầu từ nơi khác đến đây để dạy, gắn bó với nơi này, vì trước đây còn là vùng xa xôi hẻo lánh, lại gần với biên giới với Camphuchia, nên thường xuyên xảy ra giặc dã. Năm 1952, khi trường được xây dựng mới, khuôn viên của trường bao cả Niệm Sư Từ, nên được các thầy cô và học sinh của trường chăm lo hương khói, bảo quản. Thông qua Niệm Sư Từ, mỗi thế hệ cán bộ, giáo viên tưởng niệm về trường, tưởng nhớ về thầy cô và trở thành động lực để mọi người phấn đấu phát triển đi lên.

Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu chú trọng nâng cao chất lượng dạy - học, trở thành “vườn ươm mầm” nhân tài cho đất nước. Trường vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng III, hạng II; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND tỉnh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Trường đang được biết đến như một trong những ngọn cờ đầu của bậc giáo dục THPT trong tỉnh và khu vực ĐBSCL.

THANH HÙNG

(Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Long Xuyên)