Phát triển kinh tế từ mô hình đa canh

15/06/2022 - 05:52

 - Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nông dân Huỳnh Văn Cường (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình vườn đa canh với nhiều loại cây ăn trái.

Anh Huỳnh Văn Cường cho biết, trước đây gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng kém hiệu quả. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Cường đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Qua tham khảo, học tập kỹ thuật chăm sóc các loại cây ăn trái trên báo, đài, học hỏi từ những mô hình thành công, anh Cường quyết định chọn cây sơ ri để lên vườn. Thử nghiệm với diện tích 3 công đất, anh Cường đã cải tạo lên vườn trồng 200 gốc sơ ri.

Theo lời anh Cường, trồng cây sơ ri rất khỏe, ít công chăm sóc hơn những cây trồng khác, chi phí đầu tư ban đầu không nhiều, nhưng cây cho trái quanh năm, thu nhập đều đều hàng ngày. Cây càng lớn sản lượng càng cao, chất lượng càng ngon. Sơ ri ra trái quanh năm, khoảng 45 ngày anh thu hoạch trái 1 lần. Sơ ri anh trồng đạt năng suất cao, trái to, tròn, mọng nước. Với vườn sơ ri 11 năm tuổi, trung bình mỗi ngày, anh Cường thu hoạch khoảng 40kg trái bán ra thị trường với giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh còn lời khoảng 70 triệu đồng/năm.

Bên cạnh cây sơ ri, anh Cường còn cải tạo thêm 3,5 công đất lúa kém hiệu quả để trồng 350 gốc táo hồng. Anh Cường cho biết, táo hồng là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Mỗi năm, táo hồng cho trái một lần từ tháng 9-12 (âm lịch). Với vườn táo hồng được 9 năm tuổi, trung bình mỗi năm, anh Cường thu hoạch khoảng 9 tấn trái, bán với giá 18.000-22.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Vườn sơ ri của anh Cường đang cho thu hoạch

Anh Cường còn nhạy bén tận dụng khoảng trống dưới gốc táo hồng sau khi thu hoạch để trồng thêm cây ngải bún trong bao trấu cùng với phân hữu cơ. Cây ngải bún trồng khoảng 5-6 tháng có thể thu hoạch, sản lượng khoảng 3 tấn/năm. Bán cho thị trường 20.000 đồng/kg, anh Cường lời khoảng 50% trên tổng giá trị.

 “Theo chu kỳ, sau khi thu hoạch táo hồng xong, chỉ cần cắt tỉa cành hay đốn tái sinh gốc, sau đó bón phân dưỡng cây đâm chồi, tạo tán, thời gian sau cây tiếp tục cho trái. Trồng xen cây ngải bún dưới gốc táo rất có lợi, vừa tiết kiệm phân bón, công tưới nước, vừa tận dụng diện tích đất để tăng thêm thu nhập. Khi đã thu hoạch ngải bún xong trả về cho đất một lượng lớn phân hữu cơ, làm cho đất phì nhiêu, màu mỡ. Cây táo hấp thụ trở lại, sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao”- anh Cường chia sẻ.

Ngoài ra, anh Cường còn trồng thêm 40 gốc nhãn xuồng cơm vàng. Năm 2021, anh thu hoạch khoảng 1 tấn trái bán với giá 25.000 đồng/kg. Mùa vụ năm nay, cây nhãn phát triển tốt, ước tính năng suất và giá sẽ cao hơn năm trước. Đồng thời, anh Cường hy vọng vào 65 gốc bưởi da xanh được 5 năm tuổi đang trồng trên 2 công đất chuẩn bị thu hoạch đợt trái vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo anh Cường, trồng cây ăn trái nói khó không khó, nói dễ cũng không dễ vì phải làm nhiều công việc, như: Làm cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho cây… Nhờ trồng nhiều loại cây nên anh Cường có được thu nhập vào nhiều thời điểm trong năm, mùa nào trái nấy. Mỗi cây có một đặc tính riêng nên rất ít lây bệnh cho nhau, khi thu hoạch không cùng thời vụ nên dễ thuê nhân công thu hoạch.

Đặc biệt, việc đa canh sẽ hạn chế tình trạng mất trắng hoặc thất thu khi một trong các loại nông sản mất mùa hay rớt giá, ít mang lại rủi ro trong nông nghiệp. Đa dạng hóa cây trồng sẽ bổ trợ cho nhau với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”, vừa thực hiện mục tiêu trước mắt, vừa thực hiện mục tiêu lâu dài trong phát triển kinh tế vườn của gia đình.

Gia đình anh Cường hiện có vườn cây ăn trái rộng 11,5 công với nhiều loại cây, như: Sơ ri, táo hồng, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh… Tất cả đều đang sinh trưởng và phát triển tốt, giúp gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Sắp tới đây, tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm để hướng đến phát triển du lịch sinh thái, giúp du khách có thể vừa tham quan vườn cây ăn trái, vừa tận tay hái trái, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình”- anh Cường chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B Võ Phương Nam cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân phường sẽ tiếp tục kiến nghị và phối hợp ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật làm vườn, canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, tìm liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hội cũng tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi của nhà nước, như: Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội... để bà con nông dân có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

TRỌNG TÍN