Phát triển kinh tế từ mô hình trồng cam

02/09/2020 - 07:40

Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa và cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó có mô hình trồng cam, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn cam sành xum xuê trái đang vào thời điểm thu hoạch, nông dân Trần Thanh Nhã (xã Vĩnh An, Châu Thành, An Giang) cho biết, trước đây gia đình anh chỉ trồng lúa nhưng kém hiệu quả. Có dịp tham quan các vườn cam trong và ngoài tỉnh, nhận thấy cây cam có giá trị kinh tế cao và thị trường luôn có nhu cầu nên anh bắt đầu tìm hiểu thông tin từ sách, báo cũng như đi nhiều nơi để học cách trồng cam từ những người có kinh nghiệm.

Năm 2015, anh Nhã mạnh dạn cải tạo chuyển diện tích 14 công đất trồng lúa sang trồng cam sành. Sau 3 năm chăm sóc kỹ nên chất lượng trái to, màu sắc đẹp, ngon ngọt được nhiều thương lái đánh giá cao đến thu mua tại vườn. Anh Nhã chia sẻ: “Cam sành vườn tôi đạt năng suất khoảng 7-8 tấn trái/công, bán tại vườn với giá từ 6.000-13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, trung bình tôi còn lời khoảng 30 triệu đồng/công”.

Vườn cam sành đang thu hoạch của nông dân Trần Thanh Nhã

Theo anh Nhã, cam sành là loại cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ phát triển mạnh ở vùng  đất có nhiều phù sa, nên khi chuyển đổi từ đất trồng lúa để trồng cam sành tốn rất nhiều chi phí và công sức. Hai năm đầu tiên, anh phải bỏ chi phí cho việc lên liếp, xử lý phèn trong đất, san lắp bờ bao, trang bị hệ thống bơm tưới tự động, cây giống, phân thuốc và công chăm sóc. Đến năm thứ 3, cây cam cho trái mới bắt đầu lấy lại vốn và hưởng lợi từ các năm tiếp theo.

Từ kinh nghiệm học hỏi và tích lũy cùng với hiệu quả kinh tế cao mà vườn cam sành mang lại cho gia đình, anh Nhã đã chuyển đổi tất cả diện tích khoảng 30 công đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng cam sành, quýt đường và quýt hồng. Hiện, vườn cam sành có diện tích 14 công gần 5 năm tuổi đang vào vụ thu hoạch rộ, diện tích còn lại là vườn cam sành trồng xen quýt hồng và quýt đường đã hơn 1 năm tuổi, dự kiến sẽ cho thu hoạch vụ trái đầu tiên vào tháng 2 (âm lịch) năm sau. “Tuy trồng cam nặng vốn đầu tư, công chăm sóc nhưng năng suất và lợi nhuận mang lại rất cao. Nhờ nguồn thu nhập từ vườn cam mà kinh tế gia đình tôi đã khấm khá hơn trước rất nhiều...” - anh Nhã chia sẻ.

Giống như anh Nhã, nông dân Võ Hữu Tăng (xã Khánh Hòa, Châu Phú) đã mạnh dạn chuyển đổi 16 công đất vườn tạp kém hiệu quả để trồng cam sành và cam xoàn. Hiện tại, vườn cam của ông Tăng đã gần 5 năm tuổi đang phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Ông Tăng cho biết, trồng cam không khó nhưng không dễ, yếu tố quan trọng nhất là lòng đam mê, kế đến là cây giống phải sạch bệnh và nắm vững kỹ thuật. Mỗi vùng đất khác nhau, cây cam có chế độ chăm sóc khác nhau. Phải cẩn thận từ khâu lên liếp với nhiều rãnh để giữ nước cho cây khi mùa nắng và thoát nhanh lúc ngập úng mùa mưa, bắt mô, bón phân hữu cơ cải tạo đất.

Để giúp cây phát triển tốt, bền vững, chất lượng bảo đảm thì nên trồng thưa, cây hứng đủ ánh sáng, trái sẽ to, tuổi thọ cây kéo dài trên 5 năm, thậm chí 10 năm. Nếu trồng dày sẽ cho năng suất nhiều nhưng chỉ được 3-4 năm là cây bắt đầu suy kiệt, phải cải tạo đất trồng mới. Nên để số lượng trái phù hợp với tuổi và sức khỏe của cây, bón phân định kỳ hàng tháng và phải tưới đủ nước hàng ngày. Sau mỗi lần thu hoạch trái, phải bón phân, cắt cành tạo tán, loại bỏ những cành khô héo, sâu bệnh để dưỡng cho mùa sau.

“Trong 2 năm đầu, tôi chỉ thu hoạch trái mỗi năm 1 lần. Kể từ năm thứ 3, tôi cho cam ra trái rải vụ quanh năm, thậm chí xử lý cho cam ra trái nghịch vụ để cung cấp cho thị trường, tăng thêm thu nhập cho gia đình” - ông Tăng chia sẻ.

Với những hiệu quả mang lại của các mô hình chuyển đổi đất lúa và cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái nói chung và cây cam nói riêng sẽ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế địa phương.

TRỌNG TÍN