Phát triển kinh tế từ nghề trồng nấm

16/08/2021 - 00:45

 - Trước đây, nghề trồng nấm được xem là nghề phụ tăng thêm thu nhập bên cạnh việc canh tác lúa, vườn cây ăn trái. Giờ đây, nghề trồng nấm đã được nông dân ở các địa phương phát triển bền vững, đầu tư, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, giúp nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.

Từ bỏ công việc đang làm ở một doanh nghiệp, anh Trần Công Tạo (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín. Tuy nhiên, ý định của anh Tạo lại không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Một phần là do anh đang có công việc ổn định, một phần vì trước đây ở địa phương có người trồng nấm nhưng không thành công. Anh Tạo cố gắng thuyết phục, quyết tâm thực hiện mô hình từ những kiến thức học được từ Internet, tham quan các trại nấm ở các địa phương cũng như tham gia các buổi trình diễn mô hình của cán bộ khuyến nông huyện.

Anh Tạo cho biết, nghề trồng nấm không dễ như mọi người nghĩ, bên cạnh nắm vững kỹ thuật chăm sóc thì cần kiên trì và không ngừng học hỏi. “Ai thành công mà không có đôi lần thất bại, tôi làm nấm rơm đã 5 năm rồi mà có lúc bị “tổ trác”, như: nấm bị đen, năng suất thấp… Tuy nhiên, khi tìm được nguyên nhân dẫn đến thất bại, lần sau tôi sẽ khắc phục triệt để, không để bị lại nữa. Đó là những kiến thức mà bản thân phải tự trải nghiệm mới làm được” - anh Tạo chia sẻ.

Trại nấm bào ngư của anh Tạo

Hiện nay, anh Tạo đang phát triển nấm rơm và nấm bào ngư trong nhà kín. Đối với mô hình trồng nấm rơm, anh Tạo chia phòng nhỏ để dễ quản lý và chất lên kệ, với nguyên liệu được phối trộn từ rơm, bông vải, mùn cưa… Tỷ lệ phối trộn nguyên liệu nào nhiều, ít tùy thuộc vào kỹ thuật của mỗi người làm và giá thành, loại nào rẻ sẽ được sử dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc phối trộn giúp nấm rơm có năng suất và chất lượng nấm thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng hơn.

Nếu là trại nấm mới, năng suất nấm rơm thu được sẽ cao, với 1 tấn nguyên liệu phối trộn sẽ thu được khoảng 250kg nấm/vụ. Còn với những trại cũ (làm nấm qua nhiều đợt), năng suất sẽ giảm dần, khoảng 160-180kg nấm/vụ. Những trại nấm cũ, năng suất giảm là do không khí, môi trường trong nhà nấm ảnh hưởng, dù có khử khuẩn, thời gian cách ly giữa các đợt. Năng suất giảm nhưng ở mức chấp nhận được, nông dân vẫn có lợi nhuận.

Ngoài trồng nấm rơm trên kệ, anh Tạo còn là một trong những nông dân tiên phong trồng nấm rơm dạng trụ mang lại hiệu quả cao trong thời gian qua. Ngoài được hỗ trợ máy băm rơm từ Dự án hợp tác giữa An Giang - Thụy Điển, anh Tạo còn đầu tư máy phối trộn rơm để tiết kiệm nhân công, làm được số lượng nhiều, năng suất cao hơn so với thủ công. “Trồng nấm trong nhà dạng trụ sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn so với chất kệ, vì tận dụng được tối đa diện tích để kích meo mọc nấm. Ngoài ra, trồng nấm rơm dạng trụ phù hợp với các gia đình có diện tích nhỏ vẫn có thể phát triển được” - anh Tạo giải thích.

Hai năm nay, bên cạnh làm nấm rơm, anh Tạo còn làm thêm 2 trại trồng nấm bào ngư, với diện tích khoảng 200m2 chứa trên 5.000 chai phôi nấm. Năng suất nấm bào ngư dao động từ 150-300gr/phôi nấm, tùy thuộc vào thời điểm mưa hay nắng. “Mùa mưa, độ ẩm nhiều hơn, nấm bào ngư có năng suất cao hơn, vào mùa nắng nhiệt độ cao, dù có tưới nước, canh độ ẩm thì năng suất vẫn không bằng. Vào đợt rằm tháng 7 này, nấm bào ngư có thể thu hoạch vài trăm kg mỗi ngày. Do dịch bệnh nên tôi rất lo, chưa biết nhu cầu thị trường như thế nào” - anh Tạo chia sẻ.

Ngoài trồng nấm tại nhà, anh Tạo còn nhận thiết kế, cung cấp nguyên liệu, tư vấn kỹ thuật cho nông dân ở các địa phương trồng nấm, kể cả nấm rơm và nấm bào ngư. Theo anh Tạo, khi quyết định trồng nấm, người nông dân phải biết tính toán, từ tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng với giá gốc, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, xử lý bệnh. Bên cạnh đó, để đảm bảo đầu ra ổn định phải kết nối được với các đầu mối tiêu thụ để cung cấp nấm thường xuyên, giá cả ổn định hơn.

“Những kệ nấm trong các phòng nấm được chất liên tục và gối đầu để có nấm thu hoạch mỗi ngày cung ứng cho đầu mối, nhất là chuẩn bị số lượng nhiều vào những ngày rằm, cuối tháng. Nhờ tính toán hợp lý, nên thời điểm dịch bệnh này nấm rơm vẫn ra đều đều, giá bán ổn định, có phần hút hàng” - anh Tạo chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN